Xây 2 đập lớn tại sông Hồng: Cần đánh giá thật kỹ tác động

Xây dựng 2 đập lớn tại sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đằng sau đó cần nghiên cứu kỹ các tác động.
Xây 2 đập lớn tại sông Hồng: Cần đánh giá thật kỹ tác động- Ảnh 1.

Sông Nhuệ hiện đang rất ô nhiễm

Mới đây, Bộ NNPTNT cho biết, sẽ đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng. Theo đề xuất, Bộ sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030.

Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều người dân sống ven sông Đáy, sông Nhuệ bày tỏ sự ủng hộ quy hoạch. Bởi hiện tại, đây được xem là những dòng sông chết ở Thủ đô, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Bà Nguyễn Thị Hiền, Tổ dân phố số 2 (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết.

Khi biết Nhà nước có thể sẽ triển khai xây dựng đập dâng trên sông Hồng nhằm đưa nước vào sông Nhuệ, sông Đáy để hạn chế nguy cơ ô nhiễm, bà Hiền rất vui mừng. “Bất cứ giải pháp nào làm giảm ô nhiễm dòng sông, chúng tôi đều ủng hộ. Tuy nhiên, ngoài việc dâng nước vào sông, chính quyền cũng nên xử lý tình trạng xả thải rác sinh hoạt, sản xuất bởi đây là nguyên nhân ô nhiễm chính”, bà Hiền nói.

Đại diện Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, việc xây dựng đập trên sông Hồng qua địa bàn Thủ đô là rất cần thiết, trong các quy hoạch đều thống nhất việc này. “Tuy nhiên, quy hoạch này cần thực hiện càng sớm càng tốt bởi mực nước sông Hồng đang suy giảm nhanh chóng, hệ thống sông ngòi ngày càng ô nhiễm không có nguồn nước bổ sung, hệ thống tưới tiêu nông nghiệp không được bơm trực tiếp...”, đại diện Sở NNPTNT Hà Nội kiến nghị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huân, ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, việc làm đập dâng để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, làm cho sinh thái phía hạ lưu thay đổi, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra. Đồng thời, một số loại cây trồng vật nuôi của người dân trước đây sẽ bị ảnh hưởng nặng. Ngoài ra, theo ông Huân, nếu cho nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ, sông Đáy nhưng không có giải pháp thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất đổ vào sông thì vấn đề ô nhiễm không được giải quyết.

Đồng quan điểm, TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động môi trường, cảnh quan, tâm linh đối với việc xây dựng 2 đập dâng. Riêng đối với việc rửa sạch sông Nhuệ , TS Tứ cho rằng không thể giải quyết được triệt để, có chăng chỉ là pha loãng ở mức độ nào bởi hai bên bờ vẫn xả thải trực tiếp ra dòng sông này.