Báo cáo của đơn vị này cũng chỉ ra, tại Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, BĐS bán lẻ ghi nhận những tín hiệu lạc quan trong quý 1/2021. Qua đó cho thấy thị trường này sẽ có thể phục hồi trở lại và bắt đầu tăng trưởng ổn định ngay trong năm nay.
Cụ thể, ở khu vực trung tâm Tp.HCM, thị trường trở nên sôi động khi giá thuê trung bình tại đây tăng từ 5 – 10 USD/m2/tháng. Trong khi đó, mức giá này có phần giảm nhẹ từ 2 – 3 USD/m2/tháng tại các quận lân cận. Dù vậy, tỷ lệ lấp đầy của phân khúc BĐS này trên toàn thành phố được duy trì ở mức cao, thậm chí nhiều nơi đã cho thuê toàn bộ diện tích bán lẻ theo hợp đồng dài hạn. Đặc biệt, tại các trung tâm thương mại thuộc quận 1, quận 2 và quận 7, thị trường gần như đã được phục hồi hoàn toàn so với quý trước, một vài nơi còn bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng về tỷ lệ lấp đầy. Tại khu vực ngoài trung tâm Tp.HCM, BĐS bán lẻ thuộc các dự án chung cư tăng từ 5 – 10% về diện tích được thuê dù sức mua sắm của người dân nơi đây vẫn còn bị tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn từ đại dịch Covid-19.
Tại Hà Nội, thị trường cũng không có nhiều biến động lớn. Báo cáo thị trường của Colliers cho thấy tỷ lệ lấp đầy tiếp tục được duy trì ở mức cao và giá thuê trung bình giảm nhẹ từ 3 – 5 USD/m2/tháng. Lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại tăng rõ rệt so với giai đoạn tháng 2/2021 – thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Do đó, khu vực bán lẻ tại nhiều trung tâm thương mại được thuê đến hơn 90% diện tích, thậm chí ở nhiều khối đế bán lẻ, toàn bộ diện tích đã được lấp đầy.
Thị trường Đà Nẵng cũng có nhiều tín hiệu lạc quan khi giá thuê trung bình tăng từ 6 – 7 USD/m2/tháng và đạt tỷ lệ lấp đầy đạt mức gần 90%. Đây là thành quả từ nỗ lực phục hồi nền kinh tế địa phương thông qua các các hoạt động khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm hồi dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, thị trường BĐS bán lẻ tại đây sẽ tiếp tục nhộn nhịp trong thời gian tới bởi sự xuất hiện của các "ông lớn" trong ngành.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, nhòn chung, tình hình thị trường BĐS bán lẻ có nhiều điểm sáng với tỷ lệ lấp đầy cao ở hầu hết các trung tâm thương mại. Thực tế, do tình hình kiểm soát dịch rất tốt tại Việt Nam, các trung tâm mua sắm đón nhận số lượng lớn khách hàng. Qua đó, các nhãn hàng có xu hướng duy trì, thậm chí là mở rộng quy mô kinh doanh dẫn đến việc nhiều dự án được tích hợp khu vực bán lẻ cũng được gấp rút triển khai hoàn thiện nhằm đón đầu nhu cầu về mặt bằng của thị trường và sức mua sắm ngày càng tăng của người dân ở các đô thị lớn. Đây là cơ sở vững chắc để tin rằng phân khúc BĐS này sẽ hoàn toàn phục hồi ngay trong năm nay.
Dự báo trong năm 2021, thị trường BĐS bán lẻ sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung chất lượng, tọa lạc ngay tại vị trí đẹp. Cụ thể tại Tp.HCM, đến cuối năm 2021, thị trường sẽ tiếp nhận thêm diện tích hơn 200.000 m2 cho ngành bán lẻ, đa số tập trung tại khu đông thành phố. Các dự án này được xây dựng tại khu vực nhộn nhịp thuộc TP Thủ Đức vừa thành lập, nằm gần tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Trong đó, BĐS bán lẻ từ trung tâm thương mại được dự báo tiếp tục là phân khúc chủ đạo, cung cấp diện tích thuê lớn nhất trong thị trường. Tại khu vực Bình Dương – nơi giáp ranh phía Bắc Tp.HCM cũng có tín hiệu nhộn nhịp bởi sự thành lập của Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương, hứa hẹn sẽ thu hút đầu tư của các "ông lớn" trong ngành bán lẻ ngay trong năm nay.
Hà Nội cũng ghi nhận việc nguồn cung sẽ tăng nhẹ trong quý 1/ 2021, với dự án tại quận Nam Từ Liêm có diện tích bán lẻ khoảng 68.000 m2.
Thị trường Đà Nẵng ghi nhận việc cắt giảm quy mô hoạt động của một tập đoàn bán lẻ vì sự "đóng băng" của ngành du lịch – vốn được xem là ngành kinh tế trọng điểm của thành phố này.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng tiếp nhận thêm 35.000 m2 cho lĩnh vực bán lẻ tại khu vực có vị trí đẹp, bên cạnh bãi biển xinh đẹp và được kết nối nhanh chóng với các khu phức hợp nghỉ dưỡng, khách sạn lớn. Khu bán lẻ này là nơi tọa lạc của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng, cửa hàng miễn thuế quốc tế và hệ thống ẩm thực đa dạng – giúp đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế, được dự báo sẽ đi vào hoạt động trở lại ngay trong năm nay.
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cũng chỉ ra, mặc dù Covid-19 đã buộc Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải áp đặt các lệnh giới nghiêm, tổng mức bán lẻ và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn có những tín hiệu khả quan trong quý 1/2021. Chỉ số bán lẻ phản ứng trái ngược với hiện trạng thị trường. Tổng doanh thu bán lẻ vẫn tiếp tục gia tăng khi mà thương mại điện tử và các nhãn hàng quốc tế thâm nhập thị trường.
Dự kiến năm 2021 doanh thu thương mại điện tử trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, và nhất là đối với ngành ăn uống, các chủ doanh nghiệp cấp tiến đã chủ động và tăng cường các dịch vụ giao hàng. Rất nhiều chuỗi siêu thị cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà như Vinmart, BigC, Saigon Coopmart…