Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”

Hơn 60 trường học, hàng trăm công trình cộng đồng khác… là “khối tài sản” mà KTS. Hoàng Thúc Hào và các cộng sự đã cùng nhau tham gia thiết kế và thi công trong suốt 20 năm làm nghề. Thiết kế công trình cộng đồng đối với anh, đó vừa là trách nhiệm của một kiến trúc sư, là điều khiến bản thân trong sáng hơn, hướng thượng hơn.

Cuộc trò chuyện với KTS. Hoàng Thúc Hào diễn ra trong phòng họp nhỏ của Văn phòng kiến trúc 1 1gt;2. Đã bao năm trôi qua, căn phòng chẳng có nhiều đổi thay, vẫn bức tường trần trụi được làm từ những viên gạch không bám rêu (một thành công mà KTS. Hoàng Thúc Hào với cộng sự tự sáng chế máy đóng gạch để xây trường vùng cao), có chăng là những chiếc bằng khen, cúp "chen chúc", "chật chội" xếp hàng khắp căn phòng.

Khi nhắc đến công trình cộng đồng đầu tiên trong cuộc đời làm nghề, giọng anh bắt đầu say sưa, đôi mắt anh "liêu diêu" như "trong tình trạng lên đồng". Không gian của cuộc trò chuyện dường như đọng lại trong từng giây phút của những tháng ngày đầu "khởi nghiệp" của người thanh niên trẻ từng sẵn sàng đánh cược bằng đôi bàn tay trắng, đến nỗi niềm đau đáu của hiện tại về cuốn sách giải mã "bộ gen" kiến trúc – tâm huyết của KTS. Hoàng Thúc Hào nhiều năm nay sau hành trình hàng trăm công trình cộng đòng trên khắp các vùng miền. Đến gần kết thúc cuộc trò chuyện, vị KTS này thừa nhận: "Bỗng dưng nhắc tới, mọi thứ cứ ùa về trong tôi. Không phải lúc nào tôi cũng nhớ nhiều đến thế!".

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 1.

Tại sao khi mới bước chân vào nghề, anh lại lựa chọn thiết kế các công trình cộng đồng?

Chúng tôi làm kiến trúc cho người thu nhập thấp, yếu thế từ hồi sinh viên. Tôi từng tham gia Dự án quy hoạch bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống Bát Tràng, biến nơi đây thành không gian làng nghề sinh thái, rồi biến Nhà tù Hỏa Lò thành Quảng trường Khoan dung, tiếp đến quy hoạch Hồ Gươm - một không gian cộng đồng lớn,…

Rồi chúng tôi làm công trình cộng đồng khác như Nhà ở cho công nhân Lào Cai. Tiếp tục, chúng tôi làm thêm hệ thống điểm trường vùng cao. Ngoài ra, chúng tôi tập trung xây dựng hệ thống nhà cho người nghèo, nhà vệ sinh, thiết kế sân chơi trẻ em, nhà tái chế vườn ươm, bắt đầu nghiên cứu thiết kế nhà chống lũ.

Cái gì cũng có sự bắt đầu. Khi ra trường và thành lập Văn phòng kiến trúc 1 1gt;2, chúng tôi xác định kiến trúc xã hội là một phần cơ bản của văn phòng. Ngày xưa để tìm được người đầu tư cho công trình cộng đồng rất khó. Công trình nhà cộng đồng Suối Rè do chúng tôi tự bỏ tiền ra làm. Tổng tiền đầu tư khi đó khoảng 1 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng tôi là có nhà cho cộng đồng người dân tộc sinh hoạt, và một phần là mang dự án dự thi nước ngoài. Nhà cộng đồng chỉ 100m2 nhưng phải hội tụ nhiều yếu tố về văn hoá và giá trị.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 2.

Khi công trình nhà cộng đồng Suối Rè đạt giải, chúng tôi mừng lắm và muốn làm công trình thứ 2 nhưng nghĩ mãi không biết lấy tiền đâu. Tình cờ, cô Viviana người Bồ Đào Nha khi đi du lịch Sapa, thấy người dân chạy theo khách Tây để bán thổ cẩm thì nảy ra ý định xây một chỗ để bà con giới thiệu sản phẩm và ngồi bán. Sau tìm kiếm thông tin trên mạng, cô đã liên hệ với chúng tôi. Tôi bảo, bây giờ tôi với chị cùng làm, không chỉ giúp chị thiết kế, quyên tiền mà còn đồng hành với chị trong dự án này. Lần đó, chúng tôi huy động được 600 triệu đồng làm nhà cộng đồng Tả Phìn.

Rút kinh nghiệm nhà cộng đồng Suối Rè, chúng tôi làm nhà cộng đồng nằm giữa thôn. Ban đầu, xã cho lô đất để xây nhưng khi khảo sát, tôi nhận thấy vị trí này cách xa khu dân cư, địa hình thế đất cao. Nếu xây dựng, chi phí sẽ tăng, chưa kể xa khu dân cư. Tôi lắc đầu và đi xuống dốc. Khi đi vào trong thôn, tôi thấy có mảnh đất rộng, vị trí đẹp, ngay mỏm mui rùa. Tôi hỏi chủ đất có bán không, nhanh chóng chốt mua với giá hơn 90 triệu đồng. Kết quả có nhà cộng đồng Tả Phìn. Rồi đến nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam).

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 3.

Điểm trường Lũng Luông, Võ Nhai, Thái Nguyên

Còn trường học đầu tiên mà chúng tôi thiết kế có tên Lũng Luông. Cơ duyên đến từ lời mời của ông Ngô Bảo Châu và ông Trần Đăng Tuấn. Tôi nhớ thời ấy, lúc mới thi công, chưa có đường, xe không vào được, phải đi bộ. Nhưng khó khăn nhất, đó là mang viên gạch lên núi, giá đắt gấp nhiều lần. Tiền không có nhiều, phải tính toán thật tiết kiệm. Ngoài tiết kiệm, chúng tôi cũng phải tính toán xây trường thật bền. Sau đó, chúng tôi tìm thuê anh kỹ sư học ở Nga nghiên cứu một máy ép gạch. Thời gian đầu thử nghiệm, chúng tôi mất nhiều tháng chưa tạo ra sản phẩm ưng ý. Trong khi, kế hoạch phải làm xong trường học trước tháng 9. Mình làm hỏng có thể đền tiền được nhưng không thể đền ngày khai giảng cho các em.

Sau nhiều thử nghiệm, chúng tôi cũng sản xuất ra viên gạch đầu tiên. Về sau mới biết, gạch này không bám rêu trong điều kiện khí hậu ẩm vùng cao. Hiện tại, lên thăm trường, gạch vẫn không bám rêu. Đó là sự may mắn vì thú thực, khi đó, tôi lơ mơ về kiến thức hoá lý tính. Nhờ thành công sản xuất ra viên gạch này giúp chúng tôi triển khai xây nhanh được nhiều công trình.

Cứ thế, mọi cơ duyên xảy ra. Chúng tôi cứ làm và không hiểu bằng cách nào đó, nhiều người như "từ trên trời rơi xuống" đồng hành cùng chúng tôi.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 4.

Có đặc điểm nhận diện nào trong thiết kế kiến trúc với những công trình cộng đồng mà anh và các cộng sự đã thiết kế?

Chúng tôi quan điểm: Kiến trúc là hoa của đất. Mỗi vùng có loài hoa riêng. Đó không chỉ là không gian chức năng để phục vụ nhu cầu con người mà còn là hoa mọc lên từ đất. Kiến trúc phải đa nghĩa.

Như ngôi trường Lũng Luông nằm trong thung lũng, mang đa nghĩa của người H'Mông, cảm giác như bông hoa rừng hay trò chơi đầu nghé của trẻ em. Tất cả đường đèo đổ xuống ngôi trường khiến bất kỳ ai cũng có thể quan sát trường từ xa.

Hay trường Lùng Vài nằm trên đồi, như cây nấm rừng hay chiếc ô xoè nứt ra từ đất. Từng công trình có điểm riêng không lặp lại. Bởi mỗi vùng đất lại có cái riêng. Đó cũng là "lời nguyền" nhắc nhở anh em ở văn phòng kiến trúc: phải luôn mới mẻ, luôn có trách nhiệm sáng tạo với công trình kiến trúc.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 5.

Trước đó anh từng chia sẻ rằng, làm công trình cộng đồng phải bền nhưng thực tế, chi phí đầu tư cho loại hình này luôn eo hẹp. Làm thế nào để cân bằng được 2 yếu tố này?

Một nguyên tắc cốt lõi trong thiết kế và thi công của chúng tôi, đó là: Các công trình phải bền theo nghĩa đen. Không vì giá rẻ mà làm ẩu. Các công trình chúng tôi có tuổi đời cả trăm năm. Đã làm cho người nghèo phải biết quý tiền bạc, cuộc đời lao động của họ. Làm sao dùng nó không chỉ đẹp mà phải bền. Chúng tôi có những cách để làm công trình bền vững dù chỉ bằng nguyên liệu như đất, đá, hay bằng tre,…

Đối với các trường học miền núi, chúng tôi làm mái to xoè rộng giúp thân nhà chắc hơn, ngăn mưa nắng không xâm thực vào thân nhà. Chúng tôi không cần làm cửa đắt tiền vì thực tế cũng chẳng có nhiều tiền để làm cửa. Điều đó không có bất kỳ ai nói với tôi trong giáo trình, trên giảng đường đại học. Đó là trải nghiệm rất đỗi bình thường nhưng lại là bài học đầy giá trị mà chúng tôi nhận ra. Nếu đầu tư cho mái tốt thì ngôi nhà sẽ bền hơn. Trừ khi ở ven biển, hay khu vực có bão thì buộc phải tính toán khác, liên quan đến bài toán tiêu lực.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 6.

Trường Dạ Hợp, Hòa Bình (bên trái) và Làng Mít (bên phải)

Anh có nhớ được chính xác đến nay, Văn phòng 1 1gt;2 đã thiết kế và thi công bao nhiêu công trình cộng đồng?

Tôi không tính được chính xác. Đến nay, chúng tôi làm chắc khoảng xấp xỉ 60 trường và hiện đang thiết kế hàng loạt trường ở Đăk Lăk, Huế, Kiên Giang. Những năm trước, chúng tôi chủ yếu làm các trường ở vùng cao phía Bắc. Bây giờ, chúng tôi bắt đầu nhận các công trình ở miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, chúng tôi thiết kế hơn 100 nhà cho người nghèo, nhà chống lũ, nhà vệ sinh,…

Tự bỏ tiền túi ra, rồi phải cùng kêu gọi quyên góp, triển khai thi công công trình tận vùng sâu vùng xa, làm thế nào để anh có thể thuyết phục anh em trong văn phòng tiếp tục đồng hành cùng mình trên con đường này?


Mình phải nêu gương làm trước. Thú thực, hồi ấy, anh em kiếm ăn chẳng đủ. Năm 2003, sau khi làm xong nhà cộng đồng Suối Rè, may mắn chúng tôi lại có thêm hợp đồng thương mại khác đổ về, lại có thêm việc để sống.

Chẳng biết như thế nào, người ta cứ gọi "cô thương". Chúng tôi vẫn nhận được những hợp đồng thương mại để các kiến trúc sư làm "chống đói", giúp anh em "ấm bụng". Ngay cả những năm dịch bệnh, anh em KTS vẫn sống được. Có lẽ do may mắn…

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 7.

Những cộng sự tham gia thành lập Văn phòng ngay từ ngày đầu hiện vẫn còn đồng hành với anh trên cùng một con thuyền?

Con người phải đi trước, công việc sẽ theo sau. Khi rủ nhau trên một chuyến xe, đồng nghĩa cả một hành trình dài, sẽ phải chia tay vài người. Và trên chuyến xe đó, khởi đầu chúng tôi chỉ có vài người. Nhưng dần chúng tôi có thêm nhân sự đã gắn bó lâu dài, tới 20 năm. Tôi nghĩ không phải là thu nhập, thậm chí cao hơn cả giải thưởng, đó là ân tình, là anh em gắn bó với nhau.

Nhìn lại quãng đường tới 20 năm làm các công trình cộng đồng, cảm xúc của anh hiện tại là gì?


Từ 1 công trình cộng đồng đầu tiên đến rất nhiều công trình cộng đồng khác, là quãng đường rất khó. Nhưng tôi thấy tự hào. Tôi thấy trách nhiệm của một kiến trúc sư với kiến trúc, với xã hội, văn hoá. Như bác sĩ phải giữ lời thề Hippocrates, tôi cảm thấy khi làm công trình cộng đồng khiến bản thân chúng tôi trong sáng hơn trong bối cảnh bon chen, đủ sống nuôi được gia đình đã rất khó.

Anh em trong văn phòng luôn thuyết phục, động viên lẫn nhau và trong sâu xa của người trí thức, những công trình cộng đồng hiện diện đó là niềm an ủi lớn. Nó bình dị, âm ỉ và hướng thượng. Cứ hữu xạ tự nhiên hương, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều lời mời hợp tác hơn.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 8.

Khối lượng công việc ngày càng nhiều, làm thế nào để anh và các kiến trúc sư có thể đảm nhận và xử lý được hết?

Giống như câu chuyện cả nhóm tham gia cùng đẩy một cái bánh xe to nặng. Ban đầu, đẩy mãi chỉ nhích một chút. Có một số người đã bỏ cuộc. Những người còn lại tiếp tục nỗ lực đẩy. Đến một thời điểm, chiếc bánh tự sinh ra lực và tự lăn. Giống như chúng tôi đẩy chiếc bánh là kiến trúc cộng đồng. Đến thời điểm 2017-2018, chiếc bánh tự sinh lực quán tính, cứ băng băng về phía trước. Và những dự án cộng đồng đến với chúng tôi ngày càng nhiều.

Trước, anh em làm mãi mới xong một trường, mất hơn 1 năm. Bây giờ, chúng tôi một năm thiết kế và xây dựng tới 15- 20 trường. Đơn cử như năm gần đây, chúng tôi đã khánh thành tới 18 trường. Đó cũng là nhờ anh em làm việc chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi chở máy làm gạch đến vùng cao, hướng dẫn người dân cùng làm. Mỗi anh em KTS có trách nhiệm quản lý xây 2-3 trường. Cứ đánh trận nhiều sẽ quen, từ đó, rút ra được kinh nghiệm.

Ngoài ra, cũng nhờ cập nhật công nghệ thiết kế liên tục khiến công suất tăng đáng kể. Anh em KTS đều tự học phần mềm rất nhanh. Nói gì thì nói phải có nội lực và thực lực chứ không thể hô phong hoán vũ được.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 9.

Bảo tàng Gốm Bát Tràng

Những chia sẻ của anh khiến tôi liên tưởng đến ý nghĩa của cái tên 1 1gt;2?

Đúng như tên công ty, mỗi người có năng lực khác nhau, cộng vào sẽ có 1 cái chung. Tất cả các sản phẩm kiến trúc đều như thế.

Đợt dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn cách ly, khi ở nhà xem tivi, một suy nghĩ xuất hiện trong đầu tôi: Thiết kế kiến trúc như ban nhạc Jazz. Tôi thấy, nhạc Jazz trong kiến trúc đầy ngẫu hứng. Người nghệ sĩ nhạc Jazz cũng như ông kiến trúc sư, đó là người luôn khơi dậy tiềm năng ẩn nấp đâu đấy trong từng cá nhân rất bình thường kia, là người dân vùng cao, là thầy cô cùng tham gia làm công trình cộng đồng. Họ không có kiến thức về xây dựng. Họ có thể gợi mở bật ra ý tưởng mới kết hợp cùng kiến thức hàn lâm của KTS để tạo thành bản nhạc ngẫu nhiên, nhưng vẫn tuân theo nguyên tắc sáng tạo của KTS.

Đặc thù của KTS Văn phòng 1 1gt;2 dường như khá đặc biệt khi tham gia làm nhiều công trình cộng đồng. Anh có đặt ra tiêu chí riêng biệt khi tuyển các KTS trẻ đến?


Các thầy trong văn phòng vừa thiết kế thực tiễn vừa làm cộng đồng xã hội, vừa đi dạy. Nhân sự của chúng tôi đến từ các bạn sinh viên thực tập được giới thiệu tới. Nhiều bạn KTS trẻ ở nước ngoài cũng nộp hồ sơ như từ châu Mỹ, châu Phi, Tây Ban Nha,… Nhưng sức chứa của chúng tôi có hạn, chỉ nhận lời vừa phải.

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 10.

Từ các công trình cộng đồng, anh có cơ hội nhận những hợp đồng thương mại như thế nào?

Tất cả cũng như cơ duyên, một sự tình cờ. Như trước đó, sau thiết kế trường học ở Lũng Luông, một chủ đầu tư trường ở Hà Nội có niềm tin mơ hồ nào đó, đã đặt hàng văn phòng dù chúng tôi chưa từng làm trường học ở đô thị. Kết quả là một trường Sentia hiện hữu rất độc đáo. Dần dần nhiều chủ trường khác cũng gửi gắm niềm tin vào chúng tôi. Năm rồi, chúng tôi làm cả chục trường.

Sau đó, chúng tôi thiết kế cả khu nghỉ dưỡng, văn phòng. Quan điểm của chúng tôi vẫn là phải bảo vệ sự đa dạng văn hoá và tất nhiên là vì con người. Chúng tôi cũng nhận thiết kế thi công công trình trụ sở, nhưng dựa trên nguyên tắc: Thiết kế phải bộc lộ văn hoá của địa phương đó.

Hay năm 2021, một khách hàng đến từ Myanmar cũng đặt hàng chúng tôi thiết kế khu đô thị nghỉ dưỡng. Dù Covid-19 nhưng dự án vẫn bán hết. Cũng nhờ đó mà nhiều khách hàng Myanmar lại tiếp tục tìm đến. Chúng tôi vẫn luôn mong có cơ hội làm kiến trúc ở những đất nước khác, mang theo trải nghiệm mới, phong phú cho cuộc đời kiến trúc sư.

Với chung cư cao tầng, chúng tôi ít có duyên. Chắc có lẽ duy nhất là toà tháp 11 tầng ở đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội). Tôi nhớ một lần đi taxi, người lái xe còn chỉ tay vào toà nhà rồi bảo tôi: "Đội lái xe hầu như đều biết toà này. Thấy nó cứ là lạ".

Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 11.

20 năm làm nghề, hàng trăm công trình với rất nhiều giải thưởng được ghi nhận. Với anh, đó có phải là thước đo để phấn đấu?

Cái đấy là hiển nhiên. Được 1 lần là may mắn, được đến lần thứ 100 không phải là may mắn. 20 năm làm nghề, chúng tôi có tới 20 giải kiến trúc quốc gia. Chúng tôi nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc thế giới uy tín.

Nhưng về cảm xúc…sau cũng nhàm. Đến lần thứ 5, thứ 10 bạn sẽ không xúc động lắm. Nhưng rất quan trọng, đó là sự sáng tạo, là hành trình làm kiến trúc cộng đồng phía trước vô tận. Trong thiết kế, chúng tôi sẽ phải chinh phục đủ thể loại, đáp ứng nhiều kiểu người khác nhau. Như sắp tới, có thể chúng tôi phải thiết kế viện dưỡng lão. Hay chúng tôi muốn làm nhiều cho vùng Tây Nguyên. Cả một chặng đường dài như vậy cần có sự động viên, tiếp thêm năng lượng.

Giải thưởng là liều dopping, cung cấp thêm xăng dầu cho bạn đi đường xa. Giải thưởng giúp bạn rút kinh nghiệm. Khi bạn cạnh tranh với thế giới, bạn rút ra kinh nghiệm, hiểu được dòng chảy của kiến trúc thế giới như thế. Nếu bạn làm ít khó rút ra được, làm nhiều đến 1 lượng nhất định, bạn nhiều trải nghiệm, nhiều bài học bởi khi cọ xát như vậy mình sẽ hiểu bản thân nhiều hơn.

Anh từng nhiều lần chia sẻ đầy tâm huyết về giải mã bộ gen "kiến trúc hạnh phúc". Đến hiện tại, quá trình giải mã bộ gen của anh như thế nào?

Tôi đang từng bước viết cuốn sách về "hệ gen và kiến trúc hạnh phúc". Tôi hi vọng những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn sẽ góp phần tạo lập môi trường bền vững cho cộng đồng…

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mai Linh
Việt Hùng
Hải An
Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”  - Ảnh 13.