Sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tiến độ thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu qua Đồng Nai đang chậm trễ. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất phải thực hiện xong trong tháng 12/2023

Sáng 26/10, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh, UBND TP Biên Hòa và huyện Long Thành cùng đại diện các sở ngành trong tỉnh Đồng Nai đã có buổi đối thoại với các hộ dân thuộc diện di dời của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tại buổi đối thoại

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, năm 2023 hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về giao thông đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Trong đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án giao thông có quy mô lớn nhất hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất của cả nước được thực hiện từ trước đến nay.

Sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Người dân nêu ý kiến tại buổi đối thoại

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến cao tốc đi qua, trong đó có 3 tuyến đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông giữa các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, tạo động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Ngoài ra, tuyến cao tốc này có vai trò góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc trên tuyến quốc lộ 51.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được khởi công xây dựng trong tháng 6/2023, để đảm bảo tiến độ đề ra, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng. Tỉnh cũng xác định, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là việc làm khó, phức tạp vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. Chính vì vậy, tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần có sự tập trung, vào cuộc quyết liệt. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng mong nhận được sự đồng thuận và chia sẻ khó khăn của người dân trong vùng dự án. “Chúng tôi mong muốn thông qua buổi đối thoại sẽ nắm bắt được những phản ánh thực tế về khó khăn, vướng mắc; thực trạng về chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi, kiểm đếm đất, đơn giá đất, áp khung giá đất… của người dân. Mục đích để kịp thời xử lý, hiểu được mong muốn, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định, của người dân”- ông Lĩnh nói.

Về tiến độ thực hiện dự án, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hai dự án thành phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo dự án đầu tư được duyệt, diện tích thu hồi hai dự án là 289,22ha với khoảng 3.463 hộ bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 14/10/2023, dự án thành phần 1 đã kiểm đếm được 80,32 ha/137,6 ha (đạt 58,37%) diện tích thu hồi. Dự án thành phần 2 đã kiểm đếm được 79,62 ha/151,58 ha (đạt 52,53%) diện tích thu hồi.

Hai dự án thành phần đi qua địa bàn 08 xã, 01 thị trấn Long Thành và 02 phường. Đến nay, đã tiến hành kiểm đếm 10/11 đơn vị cấp xã (riêng thị trấn Long Thành mới kiểm đếm đối với đất công). Do khối lượng công việc, số hộ rất lớn nhưng nhân lực thực hiện công tác kiểm đếm của cấp xã, huyện và của Ban còn hạn chế nên tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác kiểm đếm, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường nhân lực cho huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa (khoảng 40 người) để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Chạy đua tiến độ giải ngân

Tại buổi đối thoại, người dân trong khu vực ảnh hưởng dự án đặt ra hàng loạt vấn đề về chính sách bồi thường, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề, chính sách tạm cư…

Sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Người dân tìm hiểu khu vực dự án cao tốc đi qua

Bà Nguyễn Thị Giàu, ngụ tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa cho biết: “Tôi đồng thuận với việc nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án cao tốc, nhưng bị thu hồi đất bị mất nơi ở khiến gia đình tôi gặp khó khăn. Tôi mong nhà nước đền bù thỏa đáng, phù hợp với giá thị trường và mong được ở khu tái định cư tại địa phương để thuận lợi cho công việc”.

Ông Đinh Quang Trường ở phường Phước Tân, TP Biên Hòa nêu nguyện vọng: “Chúng tôi ủng hộ dự án, chưa có khu tái định cư, chúng tôi sẵn sàng tạm cư và gia hạn thời gian tạm cư để dự án được nhanh chóng hoàn thành. Tuy nhiên, nhà nước phải bố trí tái định cư phù hợp, ai có nhà ở bị giải tỏa thu hồi đất thì phải cho tái định cư, không thể để dân ra đường”.

Ông Nguyễn Cao Nam, ở Phước Tân chia sẻ về tình trạng ở địa phương đa số là nhà chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng có nhà ở ổn định từ hàng chục năm nên muốn được áp giá bồi thường, tái định cư phù hợp. Ông Nam mong muốn được biết sẽ tái định cư ở đâu, mức phí cơ sở hạ tầng như thế nào.

Trước kiến nghị của người dân, đại diện các Sở Xây Dựng, TN-MT, Ban Quản lý dự án bồi thường và Tái định cư tỉnh Đồng Nai cùng chính quyền TP Biên Hòa, huyện Long Thành đã có giải đáp.

Theo đó, khi đền bù, địa phương sẽ căn cứ theo luật đất đai, các nghị quyết, nghị định để áp giá đất phù hợp với quy định.

Đại diện UBND TP Biên Hoà cho rằng, h iện tại giá đất cụ thể vẫn đang được các đơn vị tư vấn điều tra, xác định và trình cho Hội đồng thẩm định huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa xem xét, thẩm định trước khi phê duyệt. Quá trình thẩm định giá đất, Hội đồng thẩm định sẽ so sánh, đối chiếu với các dự án có điều kiện tương đồng để đảm bảo giá đất được duyệt phù hợp. Sau khi giá đất được phê duyệt sẽ niêm yết công khai để bồi thường.

Về bố trí tái định cư, Đồng Nai triển khai 4 khu tái định cư trong đó 2 khu tái định cư tại Biên Hòa, 2 khu tái định cư tại huyện Long Thành. Nhưng hiện tại do việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn nhiều vướng mắc (chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng) nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các Khu tái định cư bị chậm.

Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng Đồng Nai mong muốn ra một chính sách phù hợp nhất, đảm bảo được quyền lợi của người dân. Do đó, ông Lĩnh yêu cầu các cơ quan cần nhanh chóng kiểm đếm, xác định giá đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ trình phê duyệt. Bổ sung, tăng cường nhân lực cho huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa phục vụ công tác kiểm đếm.

Về công tác tái định cư, hiện nay các khu tái định cư chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng nên ông Lĩnh yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư. Ông Lĩnh nhấn mạnh mặc dù khu tái định cư chưa hoàn thành, nhưng phải thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong tháng 12 để đảm bảo giải ngân nguồn vốn trong năm 2023.