TP.HCM thu ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng sau khi điều chỉnh lại bảng giá đất

Tại phiên thảo luận kỳ họp 20, HĐND TP.HCM sáng nay (10/12), Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông tin, sau hơn 1 tháng áp dụng bảng giá đất mới (điều chỉnh từ ngày 31/10), đến nay Sở đã phối hợp với ngành thuế giải quyết trên 60.000 hồ sơ mua bán đất, trong đó ngành thuế đã thu được tổng số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, theo Quyết định số 79 của UBND TP.HCM, thành phố hiện có 6 nhóm đất áp dụng giá thu theo bảng giá đất, bao gồm: đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ và hai nhóm đất đặc thù cho khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thực hiện điều chỉnh giảm giá thuê đối với các loại đất. Cụ thể, đất nông nghiệp trước đây có mức thu 1%, nhưng trong quyết định điều chỉnh mới, mức thu đã giảm xuống còn 0,25%. Đối với đất sản xuất kinh doanh, mức thu khu vực 1 trước đây là 2%, nay giảm còn 1%, trong khi khu vực 3 giảm từ 1% xuống còn 0,5%. Đối với đất thương mại dịch vụ, mức thu khu vực 1 giảm từ 2,5% xuống 1,5%, còn khu vực 3 giảm từ 1% xuống còn 0,75%.

TP.HCM thu ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng sau khi điều chỉnh lại bảng giá đất

Kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM thảo luận tại hội trường (Ảnh: CTV Nhã Anh)

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhấn mạnh, đây là sự quan tâm của thành phố đối với các lĩnh vực dịch vụ và thương mại, nhằm ổn định sự phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, Sở đã phối hợp với ngành thuế giải quyết trên 60.000 hồ sơ mua bán đất, trong đó ngành thuế đã thu được hơn 20.000 hồ sơ, với tổng số tiền thu trên 1.500 tỷ đồng.

Thảo luận các giải pháp trọng tâm nhằm tăng thu ngân sách cho thành phố trong năm 2025, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho hay, TP sẽ đẩy mạnh việc thu từ tiền sử dụng đất thông qua việc bán đấu giá đất và khai thác tốt nguồn thu từ đất. Hội đồng định giá đất sẽ thường xuyên thẩm định và đưa ra các phương án giá đất hợp lý để giúp thành phố khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai.

Cùng với đó, TP.HCM sẽ chú trọng việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số. Đây là nguồn thu mới và tiềm năng mà TP.HCM cần khai thác hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

TP.HCM thu ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng sau khi điều chỉnh lại bảng giá đất

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM đưa ra các giải pháp tăng thu ngân sách năm 2025 (Ảnh CTV Nhã Anh)

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát lại quy trình thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và mở rộng sản xuất. Điều này không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn thu hút được nguồn vốn đầu tư, đóng góp vào nguồn thu ngân sách.

TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố sẽ là chìa khóa để thu hút đầu tư, từ đó tạo ra nguồn thu bền vững.

Sở Tài chính TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố để tăng cường công tác thu thuế, hoàn thuế, đồng thời kiểm tra, rà soát và đôn đốc thu đúng, thu đủ. Các giải pháp này nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách không bị thất thoát và giảm nợ đọng thuế.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, năm 2025 có tầm quan trọng đặc biệt đối với đất nước và TP.HCM, do vậy Thành phố đặt ra mục tiêu thu ngân sách cao nhất trong giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn 2026-2030.

“Thành phố xác định phải thực hiện thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh. Tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM về đôn đốc thu, giảm nợ đọng thuế, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn”, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM nói.