Phát triển không gian ngầm
Tuyến đường Nguyễn Huệ, Quận 1 vào buổi tối khi thời tiết mát mẻ là nơi nhộn nhịp, sôi động nhất của TP.HCM. Khách du lịch, người dân, nhất là các bạn trẻ đi lại nườm nượp. Những tuyến phố gần đó cũng đông đúc người và xe cộ. Các tòa nhà, trung tâm thương mại cũng khá nhiều khách đến tham quan, mua sắm.
Khu vực trước chợ Bến Thành sau nhiều năm rào chắn để làm tuyến Metro, nay đã được hoàn trả mặt bằng nên rất thông thoáng. Tại đây, bên dưới mặt đất là một ga trung tâm, đầu mối kết nối các tuyến Metro trong tương lai. Khi đó sẽ có các trung tâm thương mại ngầm, đặt những “viên gạch” đầu tiên trong tham vọng mở rộng không gian dưới lòng đất của TP.HCM.
Đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện nay, ở Quận 1 chỉ có lác đác vài không gian ngầm là tầng hầm của các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng nhưng cũng chỉ có khu mua sắm, ăn uống hay bãi giữ xe nên cũng chưa có vai trò gì trong mở rộng kết nối hệ thống giao thông hay giảm tải cho không gian trên mặt đất.
Anh Vũ Nguyên Anh (người dân TP. Thủ Đức) và chị Lê Thị Thương (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, các không gian ngầm ít ỏi hiện nay mà TP.HCM đang có tuy chưa đặc sắc nhưng rõ ràng đây là định hướng phát triển cần sớm tính toán: "Việc phát triển không gian ngầm theo tôi biết là chi phí rất cao nhưng phải nhìn nhận một điều là hiện tại không gian trên mặt đất ở trung tâm TP.HCM đã quá chật chội. Nếu chúng ta không mở rộng không gian ngầm thì sẽ không còn nơi để mà phát triển nữa. TP.HCM có một số công trình không gian ngầm nhưng vẫn chưa có kết nối liên tuyến hoàn chỉnh. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển và chưa tận dụng được toàn bộ tiềm năng của không gian ngầm. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng không gian ngầm ở TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân".
Theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, định hướng phát triển giao thông của TP đang triển khai theo Quyết định số 24 ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Trong đó, giao thông ngầm là một phần của hệ thống giao thông tổng thể của TP. Việc xác định phương án giao thông đi ngầm, đi trên mặt đất hay đi trên cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiến trúc cảnh quan khu vực, các đường dây. đường ống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, tính khả thi về chi phí, hiệu quả dự án…
Theo các quy hoạch hiện hành, giao thông ngầm chủ yếu tập trung vào tuyến đường sắt đô thị; đường đi bộ ngầm kết nối các nhà ga đường sắt và tòa nhà kế cận, trung tâm thương mại ngầm; đường giao thông ngầm; một số vị trí nút giao thông phức tạp có kết hợp hầm chui; những bãi đậu xe ngầm trong các tòa nhà và một số khu vực công cộng.
Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đang phối hợp đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nghiên cứu điều chỉnh hệ thống giao thông đã được quy hoạch, cập nhật đề xuất mới để tăng cường năng lực giao thông của Thành phố, nâng cao kết nối TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Hệ thống giao thông ngầm cũng đang được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cùng với quy hoạch không gian ngầm của Thành phố. Trong đó, dự kiến nâng cao năng lực của mạng lưới đường sắt đô thị, bổ sung một số tuyến giao thông nhanh kết nối các đầu mối giao thông và cửa ngõ của TP.HCM.
Không tận dụng không gian ngầm là sự lãng phí lớn
KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, TP.HCM rất quan tâm tới không gian ngầm nói chung và hạ tầng giao thông ngầm nói riêng. Đây là hướng đi, là quá trình phát triển tất yếu của một thành phố đông dân.
Theo ông Khương Văn Mười, giá trị của không gian ngầm hay giao thông ngầm là đóng góp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Thay vì mất hàng giờ ở ngoài đường do kẹt xe, người dân dùng thời gian đó để nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức lao động. Không gian ngầm cũng ít bụi bặm, ít ô nhiễm hơn so với trên mặt đất, giảm rủi ro, bệnh tật cho con người, từ đó giảm gánh nặng quá tải cho ngành y tế, tốn kém cho người dân. Như vậy giá trị về mặt y tế, về mặt sinh học là rất tốt: "Các cao ốc tại trung tâm thành phố có tầng hầm thì mới có thể khai thác. Trên mặt đất không còn chỗ đậu xe, các tầng hầm được sử dụng làm bãi đỗ, đậu xe, góp phần giảm ùn tắc giao thông, không ảnh hưởng giao thông mặt đất. Nhất là những toà nhà thương mại, có tầng hầm mới phát huy hiệu quả công trình, nếu không là sự lãng phí, lúc đó, xe cộ sẽ đầy đường và thành phố thêm gánh nặng. Ngoài ra giá trị tầng ngầm của các toà nhà còn là nơi xử lý nước thải, bơm nước sạch, máy móc thiết bị phát điện, phòng cháy chữa cháy,..."
Tương tự, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đánh giá việc phát triển không gian ngầm, giao thông ngầm như metro là hướng đi tất yếu với các đô thị phát triển có quy mô hơn 1 triệu dân, hạ tầng hiện hữu không đáp ứng được.
Các nước phát triển trên thế giới đã phát triển công trình ngầm, giao thông ngầm từ rất lâu. TS Võ Kim Cương cho rằng, ngoài yếu tố phát triển hạ tầng thì nhu cầu về an ninh quốc phòng đã khiến các quốc gia đẩy nhanh phát triển metro.
Nhắc lại câu chuyện hầm Thủ Thiêm, ông Võ Kim Cương cho biết, thời đó TP.HCM phải làm hầm thay vì làm cầu cũng là lựa chọn “cực chẳng đã”, tương tự, quy hoạch phát triển giao thông ngầm là tất yếu nhưng đây là việc “cực chẳng đã”, bởi bản chất con người là sống trên mặt đất. Tuy nhiên, các công trình ngầm như metro có ưu điểm là không giao cắt, khối lượng vận tải lớn, chính xác về thời gian nên giúp người dân chủ động được công việc: "Trước đây, Sở Xây dựng và cơ quan Kiến trúc sư trưởng Thành phố khi làm quy hoạch đầu tiên cũng đã có quy hoạch về hệ thống Metro, quy hoạch chi tiết về giao thông, trong đó có một số công trình ngầm, đường bộ đi ngầm, bãi đậu xe ngầm… Như thế việc quan tâm đến công trình ngầm cho giao thông thì TP.HCM đã quan tâm từ sớm, tuy nhiên việc đầu tư trong thời gian dài gặp khó khăn về chính sách, kinh tế".