TP.HCM chạy đua đầu tư để có 93.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng.

Theo đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ đến 2030, TP.HCM sẽ phát triển 69.700 căn ở giai đoạn 2021 - 2030. Con số phấn đấu của thành phố là 93.000 căn, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 26.200 - 33.000 căn.

Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết từ 2021 cho đến nay, TP.HCM chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành và 4 dự án đang thi công, tổng số gần 6.000 căn nhà. Con số này được đánh giá là khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để thực hiện chỉ tiêu phát triển 93.000 nhà ở xã hội đã đề ra.

TP.HCM chạy đua đầu tư để có 93.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030

TP.HCM sẽ phát triển từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030. (Ảnh minh họa: H. Linh)

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, do UBND TP.HCM vừa tổ chức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, đáp ứng nhu cầu thuê nhà của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân và công nhân lao động.

Hiện có 21 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập, với khoảng 52.000 căn hộ. Trong đó 9 doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại địa chỉ đất cụ thể thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp, với khoảng 40.000 căn hộ. 12 doanh nghiệp còn lại đăng ký, cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn để đxây nhà ở xã hội, với khoảng 12.000 căn hộ.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố danh mục 7 dự án mời gọi đầu tư, với khoảng 8.000 căn hộ. Tính gộp với 10.000 căn hộ do thành phố dự kiến đầu tư công, thì TP.HCM có thể phát triển được khoảng 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, đáp ứng chỉ tiêu theo Đề án của Chính phủ.

Theo tính toán của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), để đạt con số khoảng 93.000 căn nhà ở xã hội, TP.HCM cần phải có khoảng 69 - 93 dự án độc lập, với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án. Tổng tổng diện tích đất cần phải bố trí đến khoảng 96 - 130 ha (theo thực tế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên đã được phê duyệt, có diện tích 1,9 ha với quy mô 1.450 căn hộ 1-2 phòng ngủ, diện tích 45 - 50 m2 /căn).

Với quỹ đất để TP.HCM bố trí đủ cho phát triển nhà ở xã hội, trường hợp sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, thì tổng diện tích đất của các dự án nhà ở thương mại này cần phải có khoảng 480 - 650 ha.

Nếu kết hợp cả đầu tư các dự án nhà ở xã hội độc lập với việc sử dụng quỹ đất 20%, thì tổng diện tích đất cần phải bố trí cũng có thể lên đến khoảng vài trăm ha.

TP.HCM chạy đua đầu tư để có 93.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030

Một trong những dự án nhà ở xã hội hiếm hoi tại TP Thủ Đức sắp mở bán của chủ đầu tư Điền Phúc Thành rất được người có nhu cầu nhà ở chờ đợi. (Ảnh: CĐT)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng giải pháp để tạo quỹ đất và đẩy nhanh đầu tư là thành phố giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quỹ đất gồm đất công đã giải phóng mặt bằng (đất sạch).

Thứ 2 là quỹ đất mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định (20%), nhưng chủ đầu tư không xây dựng nhà ở xã hội trên phần đất này, và tự nguyện bàn giao lại cho Nhà nước, thì Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

Thứ 3 là quỹ đất mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bố trí ở vị trí khác, thì thành phố cũng có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với quỹ đất được tạo lập từ nguồn tiền đóng góp của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại (20% mà chủ đầu tư không xây dựng, hoặc không “hoán đổi” quỹ đất khác tương đương mà trả tiền theo giá trị tương đương), thành phố có thể dùng nguồn tiền này để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Theo HoREA, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn đến năm 2030, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố mới thu hút được nhà đầu tư. Khó nhất là với các dự án chỉ để cho thuê, vốn rất khó thu hút đầu tư do tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn rất dài. Theo tính toán, dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê có thời gian thu hồi vốn không dưới 20 năm.

Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố 3 thiết kế mẫu nhà ở xã hội cao tầng trên địa bàn. Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nếu được Bộ Xây dựng cho phép áp dụng trong thời gian tới sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội.