Tỉnh Hậu Giang hưởng lợi lớn từ quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng. Trong đó, Hậu Giang là tỉnh được hưởng lợi lớn nhờ vị trí trung tâm chiến lược, với hơn 100 km cao tốc chạy qua.

Đầu tư mạnh cho hạ tầng ĐBSCL trong 5 năm tới

Trong công bố quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính phủ nêu rõ mục tiêu đưa vùng này trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5%/năm, cùng mức ngân sách đầu tư 45 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông vận tải đa phương thức kết nối, đầu tư mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 04 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Trong đó, điểm nhấn là các tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (hơn 110 km), tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (hơn 188 km), cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá – Bạc Liêu (225 km)… cùng nhiều tuyến giao thông trọng yếu khác góp phần gia tăng liên kết vùng, tạo động lực thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Hậu Giang hưởng lợi lớn từ quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 1.

Chính phủ dành ngân sách 45,000 tỷ cho phát triển vùng ĐBSCLChính phủ dành ngân sách 45,000 tỷ cho phát triển vùng ĐBSCL.

Thực tế đã chứng minh, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và đi trước một bước được xem là giải pháp quan trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các địa phương. Câu chuyện phát triển của tỉnh Quảng Ninh là một tham chiếu sinh động về việc hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế , xã hội. Với gần 200 km cao tốc và các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường thủy, đường không…được chú trọng đầu tư giai đoạn 2011 đến nay đã giúp cho diện mạo Quảng Ninh hoàn toàn "lột xác", tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2011 – 2015) đạt trên 9,2%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 trên 11,1%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm liền đứng đầu cả nước và tốc độ đô thị hóa ghi nhận đạt trên 60% đứng top 5 cả nước.

Tương tự với Bắc Ninh, mặc dù không có sân bay, cảng biển nhưng với chiến lược ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nội vùng và liên tỉnh, Bắc Ninh cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế (đạt 13,95%/năm giai đoạn 2005 – 2020), GRDP bình quân đầu người nằm trong top cao nhất cả nước.

Hậu Giang đã sẵn sàng bứt phá

Là tỉnh có vị trí trung tâm chiến lược quan trọng của vùng ĐBSCL, với lợi thế tiếp giáp thành phố Cần Thơ và cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam Sông Hậu, Hậu Giang hội tụ nhiều tiềm năng hiếm có để tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Đồng thời, đây cũng là địa phương được hưởng lợi lớn từ các chính sách đầu tư công của chính phủ, trong đó phải kể đến 3 tuyến cao tốc trọng điểm được quy hoạch đi qua dài hơn 100 km gồm:

Tuyến Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đoạn qua Hậu Giang dài 63 km được xem là trục xương sống huyết mạch của tỉnh, đi qua các huyện Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ, kết nối thông thương nhanh chóng với khu vực Nam Sông Hậu, Cần Thơ, Đông Nam Bộ.

Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang dài 37,7km kết nối các trục trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu đi qua huyện Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang có vị thế chiến lược để đẩy mạnh giao thương xuyên biên giới. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, rút ngắn thời gian đi lại, tạo bàn đạp xúc tiến các hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận.

Cùng với lợi thế về phát triển nông nghiệp, Hậu Giang cũng đang nổi lên là vùng công nghiệp phát triển năng động, bao gồm 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, thu hút 114 dự án đầu tư. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Hậu Giang đạt 11%, đứng thứ 8 cả nước và thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cộng hưởng các nguồn lực từ ngân sách công của Chính phủ cho vùng ĐBSCL, sau khi các tuyến cao tốc nội vùng hoàn thành sẽ tạo sự kết nối thông suốt giữa Hậu Giang với các địa phương, góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và logistics, thu hút nhiều lao động và từng bước thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Đây cũng chính là cơ hội tốt để thị trường bất động sản Hậu Giang phát triển sôi động, khi liên tục thu hút các công ty lớn đổ bộ. Theo khảo sát của đơn vị phát triển bất động sản MSH Group nếu so với giá đất trung tâm thành phố Cần Thơ trên 55 triệu/m2, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) trên 40 triệu/m2, thành phố Long Xuyên (An Giang) trên 35 triệu/m2 thì giá bất động sản tại Hậu Giang đang ở "vùng trũng" và đất trong khu trung tâm thành phố Vị Thanh, ngay gần Tỉnh ủy Hậu Giang mức giá giao động từ 15 triệu – 32 triệu/m2. Có thể thấy thị trường bất động sản Hậu Giang còn nhiều dư địa tăng giá mạnh mẽ trong thời gian tới.