“Kẻ khóc người cười” khi đầu tư bất động sản

Thị trường bất động sản không thiếu những câu chuyện khiến kẻ khóc người cười mỗi khi tham gia đầu tư.

Trên thị trường bất động sản, không ít người thắng đậm từ những thương vụ thành công, nhưng cũng không ít người khóc ròng vì để đất mãi không tăng nhưng bán đi thì giá đất liên tục tăng mạnh.

Đơn cử, anh Nguyễn Thành, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời điểm năm 2016, có trong tay hơn 1 tỷ đồng, anh bắt đầu nghĩ mua đất đầu tư. Tuy nhiên, do không thông thạo địa hình nhiều khu vực nên anh Thành mang tiền về quê tại Nam Định mua đất.

Thời điểm đó, mảnh đất anh mua có diện tích 120m2, giá 1,2 tỷ đồng, tương đương 10 triệu đồng/m2. Nghĩ mua được mảnh đất với giá hời lại nằm sát đường lớn rộng 7m thì không cần chờ đợi lâu sẽ có lãi. Tuy nhiên, đến mãi đầu năm 2020, thấy thị trường tại Nam Định vẫn nằm yên bất động, giao dịch có nhưng giá không thay đổi, anh Thành sốt ruột tìm khách để bán.

“Lúc mua thì nghĩ mua đất ở đâu cũng thế, cứ mua để vài năm là có lãi, nhưng sau 4 năm đầu tư tôi hỏi môi giới thì giá cũng không có gì thay đổi ở khu vực đó. Trong khi, đến thời điểm đầu năm 2020 nhiều khu vực giá đất đã tăng mạnh. Nghĩ mình bỏ tiền vào sai chỗ nên tôi rao bán và cuối cùng bán bằng giá với thời điểm mua. Vậy là khi đó, sau 4 năm đầu tư tôi không được đồng công nào”, anh Thành kể.

“Kẻ khóc người cười” khi đầu tư bất động sản - Ảnh 1.

Tuy nhiên, éo le thay, khi anh Thành vừa bán xong mảnh đất thì chỉ một thời gian ngắn sau giá đất trong khu vực liên tục tăng mạnh. Đến nay, mảnh đất trước đó của anh Thành đã tăng lên gấp hơn 2 lần.

“Tôi vừa bán xong thì nhiều nơi lên cơn sốt đất, trong đó có khu vực mảnh đất tôi mua. Hôm trước tôi vừa khảo giá lại mảnh đất đó thì đang được rao bán 2,5 tỷ đồng. Coi như mình không có duyên với đất vậy”, anh Thành nói.

Trái ngược với anh Thành, anh Thanh Hà, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, năm 2018, anh xuống tiền mua mảnh đất rộng 200m2 tại Thạch Thất (Hà Nội) với giá 1,3 tỷ đồng, tương đương 6,5 triệu đồng/m2. Hoàn tất thủ tục mua bán thì cơn sốt đất tràn về khu vực này, khiến mảnh đất của anh Hà cũng tăng giá mạnh.

“Thời gian ngắn đã thấy lãi rồi nhưng tôi không bán. Đến cuối năm 2021, cơn sốt đất càng lên đỉnh điểm, lúc này mảnh đất của tôi đã được trả giá lên đến 21 triệu đồng/m2, gần gấp 3 lần so với thời điểm mua. Thấy thị trường vẫn nóng nhưng để bảo toàn lợi nhuận nên tôi bán cho một nhà đầu tư khác cũng ở Hà Nội”, anh Hà kể.

Trên thị trường đầu tư luôn xảy ra những câu chuyện éo le khiến người khóc người cười. Theo anh Vũ Tùng, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, không thiếu câu chuyện éo le xảy ra khi đầu tư bất động sản, nhưng cũng không ít người vừa bước chân vào thị trường đã thắng đậm.

“Kẻ khóc người cười” khi đầu tư bất động sản - Ảnh 2.

“Nếu đầu tư bất động sản người mua cần quan sát kỹ về thị trường khu vực muốn xuống tiền, từ giá cả, thông tin quy hoạch, hạ tầng, thậm chí là lịch sử tăng giá trước đó. Nếu trước đó giá đã tăng mạnh thì khả năng cao thời gian tiếp theo sẽ đi ngang hoặc điểm chỉnh. Theo đó nhà đầu tư có thể tính toán được thời gian mua vào và bán ra để tối ưu được lợi nhuận”, anh Tùng phân tích.

Theo anh Tùng, đầu tư bất động sản phải chịu khó chờ đợi đúng chu kỳ và sóng. Bởi, nhiều trường hợp mua đất nhưng 3 - 5 năm sau không tăng giá, nhưng đến năm thứ 6 tăng đột biến tính bằng lần. Tuy nhiên, để có thể giữ đất lâu nhà đầu tư tuyệt đối đầu tư bằng tiền thật hoặc vay nhưng kiểm soát được khả năng chi trả mới chiến thắng.

“Đầu tư bất động sản là dài hạn và khi lợi nhuận đạt kỳ vọng sẽ bán đi. Cũng có rất nhiều trường hợp trên thị trường vì sợ bán hớ nên để thêm thời gian rồi đến khi thị trường đã chững thì bán không được mà giữ cũng không xong”, anh Tùng nói.