Thực Trạng Ảm Đạm Mặt Bằng Bán Lẻ TP.HCM Cuối Năm

Nhiều mặt bằng cho thuê TP.HCM khu vực quận 1, quận 3 nằm trên các tuyến đường từng kinh doanh sầm uất nhất đang tiếp tục rơi vào ế ẩm, treo biển bán, cho thuê tìm khách những tháng cuối năm.
Cận Tết luôn là thời điểm mua sắm tất bật nhất của người Sài Gòn, các hàng quán trên những tuyến đường thương mại sầm uất như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, CMT8, đường 3/2… thường đón không khí Tết đầu tiên qua hoạt động trang hoàng, kích cầu cuối năm. Tuy nhiên năm nay, bầu không khí kinh doanh ảm đạm. Kinh tế khó khăn khiến hoạt động tiêu dùng suy giảm. Các mặt bằng cho thuê trên những tuyến đường trung tâm vắng khách, ẩm hiu. Tình trạng trả mặt bằng cho thuê TP.HCM, đóng cửa treo biển ngừng kinh doanh tràn lan các tuyến phố.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng cho thuê TP.HCM bị bỏ trống ngày càng nhiều, tỷ lệ thuận với việc nhiều thương hiệu lớn, nhỏ trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (FB), thời trang, giày dép, làm đẹp… cũng âm thầm rút khỏi thị trường.
Một mặt bằng cho thuê TP.HCM trên tuyến đường 3/2 quận 10 treo biển tìm khách. Ảnh: TinNhaDatVN.Com
Giao với tuyến đường CMT8, đường 2/3 đang tràn ngập các mặt bằng đóng cửa, dán bảng cho thuê. Chỉ tính riêng một đoạn đường nhỏ từ Sư Vạnh Hạnh đến đầu đường CMT8 đã có gần 16 mặt bằng treo biển cho thuê. Nhiều căn đã chào thuê gần 7-8 tháng nay không có khách. Một số căn có khách thuê nhưng hoạt động không lâu, sau vài tháng lại trả mặt bằng vì kinh doanh khó khăn.
Cửa hàng trên đường Cách mạng tháng 8, quận 3 đang đóng cửa, tìm khách thuê mới. Ảnh: TinNhaDatVN.Com
Hay ngay trên tuyến đường CMT8, đoạn từ quận 3 giao ra quận 1, nhiều mặt bằng kinh doanh đang treo biển tìm khác thuê. Trước đây các mặt bằng này từng kinh doanh thời trang, FB và hàng điện tử. Tuy nhiên do kinh tế khó khăn, kinh doanh ế ẩm thu không bù chi khiến hộ kinh doanh phải trả mặt bằng dời sang nơi khác hoạt động.
Hình ảnh một mặt bằng cho thuê tại đường Lê Lợi, quận 1. Ảnh: TinNhaDatVN.Com
Tuyến đường Lê Lợi, nơi từng là trung tâm mua báng “muốn thuê phải xếp hàng” nay chưa đến 550m mà gần cả chục mặt bằng đóng cửa, treo biển chào thuê. Cứ tầm 20 – 50m trên đường Lê Lợi, lại có mặt bằng cho thuê treo biển kiếm khách. Theo tìm hiểu, giai đoạn 2022 khi các rào chắn được gỡ bỏ, giá thuê mặt bằng tại đây tăng mạnh 40 – 50%, rơi vào tầm 180 – 350 triệu đồng/tháng.
Mặt bằng cho thuê trên đường Đồng Khởi, quận 1. Ảnh: TinNhaDatVN.Com
Cách đó không xa, một tuyến đường có mặt bằng kinh doanh sầm uất nhất quận 1 là Đồng Khơi, nơi vừa được tạp chí Cushman Wakefield bình chọn là xếp thứ 13 trong các tuyến đường có giá thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ nhất thế giới cũng nhiều cửa hàng dán bảng tìm khách, đóng cửa ngừng hoạt động.
Một mặt bằng bán lẻ từng kinh doanh ẩm thực tại đường Đồng Khởi, quận 1. Ảnh TinNhaDatVN.Com
Ở thời điểm trước đại dịch, những căn nhà mặt tiền ở vị trí đẹp như căn góc trên đường Đồng Khởi, rộng chưa tới 100m2, 1 trệt và 2 lầu giá cho thuê dao động từ 350 – 400 triệu đồng/tháng; các căn mặt tiền bình thường khoảng 200 triệu đồng/tháng; còn những căn thuê tầng trệt khoảng 100 triệu/tháng, chưa tính VAT.
Một cửa hàng quy mô lớn ngay khu Chợ Bến Thành đóng cửa chào thuê. Ảnh: TinNhaDatVN.Com
Đoạn đường Lê Lợi từ vòng xoay chợ Bến Thành đến phố đi bộ Nguyễn Huệ dài chỉ vài trăm mét. Trong khi Takashimaya và Saigon Centre sầm uất thì bên kia đường là một dãy mặt bằng ảm đạm nằm san sát, treo bảng cho thuê cả năm qua cũng không ai đến mở cửa hàng. Đáng chú ý, nhiều mặt bằng diện tích lớn cũng đang bị trả lại do giá thuê mặt bằng ở đây rất cao nhưng sức mua tại các cửa hàng hiện hữu trên tuyến đường này không tương xứng.
Một mặt bằng cho thuê khác từng là cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý tại quận 1. Ảnh: TinNhaDatVN.Com
Không khác gì đường Lê Lợi, đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực cũng có nhiều mặt bằng trong tình trạng bỏ trống, cửa đóng và treo biển cho thuê. Dù vắng khách nhưng giá mặt bằng trên con đường này vẫn rất cao, dao động 5.000 – 20.000 USD/tháng (gần 110 – 500 triệu đồng).
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành hàng FB hồi tháng 9/2023 của Vietnam Report, giai đoạn 2022 – 2023, có đến 33,3% doanh nghiệp ngành FB bị giảm doanh thu, 41,7% doanh nghiệp giảm lợi nhuận. Còn theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay khiến doanh thu của ngành này liên tục giảm. Trong 26.214 thương hiệu ở Việt Nam được công ty nghiên cứu thị trường này theo dõi, có đến 60% đang trên đà suy giảm khi tăng giá bán và đánh mất sản lượng.
Theo giới chuyên môn, sức mua giảm sâu bên cạnh suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng thắc lưng buộc bụng, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và bùng nổ kỷ nguyên thương mại điện tử khiến đại đa số người tiêu dùng chọn mua sắm online thay vì trực tiếp đến cửa hàng và khủng hoảng thừa ở một số lĩnh vực khiến nhiều cửa hàng không còn hiệu quả, buộc phải đóng cửa.
Ngoài ra, việc nhiều mặt bằng cho thuê TP.HCM khu vực trung tâm có giá cao, bắt ký hợp đồng thuê dài hạn trong giai đoạn khó khăn cũng khiến nhiều chủ cửa hàng khó khăn. Hiện nay, nguồn cung mặt bằng cho thuê TP.HCM đang bị bỏ trống rất nhiều trong khi nhu cầu giảm mạnh, người đi thuê mặt bằng có nhiều chọn lựa nên muốn giảm giá, muốn thuê với giá thấp hơn nhiều trước dịch. Trong khi đó, chủ nhà sở hữu mặt bằng cho thuê không muốn giảm giá sâu vì về lâu dài, dễ thiết lập một mặt bằng giá mới gây bất lợi cho chủ nhà.
Đông Phong