Thị Trường BĐS Năm 2023 Đang Được “Giải Cứu” Nhờ Các Chính Sách

Thị Trường BĐS năm 2023 đang biến chuyển mạnh mẽ nhờ hàng loạt các chính sách được tung ra nhằm “giải cứu” thị trường. Sau thời gian trầm lắng, nhờ sự kịp thời của các chính sách, các tín hiệu phục hồi và phát triển của thị trường đang ngày càng rõ nét.

Các Chính Sách Tác Động Đến Thị Trường BĐS Năm 2023

8 tháng đầu năm, các cơ chế, chính sách nào đã và đang tác động đến thị trường bất động sản, nhằm tháo gỡ những khó khăn mà thị trường đang phải đối mặt suốt thời gian qua? Từ đầu năm đến nay, các động thái từ phía Chính phủ đều quyết liệt và dồn dập nhằm giúp thị trường BĐS năm 2023 khôi phục trở lại.
Hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương đã được tổ chức. Cùng với đó, rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc. Cụ thể, ngày 17/2/2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Từ đầu năm đến nay, các động thái từ phía Chính phủ đều quyết liệt và dồn dập nhằm giúp thị trường BĐS khôi phục trở lại.
Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp. Ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS năm 2023 phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tiếp đó, ngày 23/3/2023, trong Chỉ thị số 08/CT-TTG ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ: “Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”.
Ngày 21/4/2023, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 03/4/2023, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 388/QĐ-TTG phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; cùng với đó là giao NHNN chủ trì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ vay đầu tư và mua nhà ở xã hội.
Ngày 23/4/2023, NHNN ban hành thông tư 02 và Thông tư 03 liên quan tới hoạt động của ngân hàng thương mại và trái phiếu doanh nghiệp. Kế đó, ngày 25/5, Phó Thủ tướng Chính phủ ký công điện 469/CĐ-TTg yêu cầu giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành hướng dẫn địa phương các quy định thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Tháng 6/2023, Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5 – 2%) và nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Trong số các cơ chế, chính sách đã ban hành thì Nghị quyết số 33/NQ-CP được xem là “kim chỉ nam”, thể hiện một cách khá rõ ràng quan điểm và quyết tâm khôi phục thị trường BĐS từ phía Chính phủ, các bộ ngành. Nghị định số 08/NĐ-CP đang cho thấy các kết quả tương đối khả quan. Quyết định số 388/QĐ-TTg vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp BĐS cũng như cơ quan, sở ngành.

Những Tác Động Đến Thị Trường BĐS Năm 2023 Đang Ngày Càng Rõ Ràng

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các cơ chế, chính sách trên đang tạo nên những tác động tích cực đối với nguồn cung của thị trường BĐS.
Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam với 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cho thấy, về nguồn cung, có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung BĐS. 57% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách này mới chỉ ghi nhận tác động ở mức độ bình thường.
Nguồn cung bất động sản đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua
Xét trên tổng thể trong suốt gần 8 tháng qua, tình hình nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân trên thị trường chưa thực sự được giải quyết một cách triệt để. Tuy nhiên, thị trường BĐS có ghi nhận tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét theo thời gian. Cụ thể vào những tháng cuối quý 2 và đầu quý 3, đã xuất hiện thông tin các dự án nhà ở xã hội mở bán tại một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng…
Ông Đính nhấn mạnh sự thay đổi này đến từ hai nguồn chính yếu sau. Thứ nhất,một số dự án vướng mắc ở khâu pháp lý cuối cùng, được tháo gỡ và kịp thời đưa ra thị trường. Thứ hai, một số dự án trước đó đã đủ điều kiện mở bán nhưng chủ đầu tư trì hoãn việc ra hàng do tâm lý e ngại thị trường trầm lắng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch bán hàng. Trước các động thái quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, các chủ đầu tư được trấn an tinh thần và có thêm niềm tin để quyết định mở bán.
Ông Đính cho rằng, về bản chất, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở giai đoạn “tiếp cận” và tháo gỡ “lớp ngoài” đối với vấn đề “nguồn cung”. Các cơ chế chính sách chưa thực sự thâm nhập và giải quyết một cách triệt để, trên diện rộng tất cả các khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, “nguồn cung” với sản phẩm BĐS không phải là vấn đề có thể giải quyết trong thời gian ngắn được. Bởi kể cả khi các vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn hay các vấn đề liên quan được tháo gỡ thì vẫn cần một khoảng thời gian tương đối để có thể hình thành “nguồn cung” sản phẩm BĐS.
Nguyễn Nam