Thị trường đất nền trầm lắng, giá quay đầu giảm

Dù thừa nhận về tình trạng “hạ giá”, cắt lỗ đất nền tại nhiều khu vực, song với một số nhà đầu tư, đó chỉ là diễn biến cục bộ, nhất thời. Giới đầu tư tin tưởng rằng, ngay sau khi dịch bệnh kiểm soát, đất nền sẽ nóng trở lại.

Xuất hiện tình trạng cắt lỗ

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, thị trường đất nền hiện đã được kiểm soát sau cơn sốt cục bộ tại một số địa phương hồi đầu năm. Tuy nhiên, so với thời kỳ cao điểm, giá đất nền đã giảm 10 - 20%.

Báo cáo trước đó của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong quý II và nửa đầu năm 2021 cũng ghi nhận tình trạng "cắt lỗ" tại một số khu vực.

Còn theo báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn, đất nền tại nhiều khu vực "sốt giá" trước đây bắt đầu có hiện tượng quay đầu giảm giá do các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, nhà đất, đặc biệt là tình trạng mua bán "ảo" nhằm thổi giá, trục lợi bất chính.

Báo cáo ghi nhận, toàn thị trường giảm 19% và lượng tin đăng mua bán bất động sản, một số nơi đã xảy ra "sốt" trước đây nay giảm mạnh. 

Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư trên trang bất động sản trực tuyến này sụt giảm mạnh. Cụ thể, mức độ quan tâm đất nền ở các địa phương giảm sâu gồm: Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Khu vực phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu từng nóng lên hồi đầu năm cũng đều suy giảm mức độ quan tâm. 

Thị trường đất nền trầm lắng, giá quay đầu giảm - Ảnh 1.

Thông tin đất đại hạ giá được rao bán trên nhiều nhóm bất động sản.

Khảo sát thực tế cũng cho thấy, do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là do chính sách giãn cách xã hội tại một số địa phương cùng động thái kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, một số dự án bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng", không phát sinh giao dịch. Trên các trang mạng xã hội, website, lượng tin đăng bán hàng cắt lỗ ghi nhận tăng mạnh. 

 Anh Nguyễn Thắng, nhà đầu tư đến từ Hà Nội lý giải, ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài cùng tâm lý lo ngại diễn biến xấu này sẽ không chỉ diễn ra trong 1-2 tháng mà có thể tiếp tục xảy ra đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến nhà đầu tư thay đổi chiến lược, tính đường dài, giảm bớt một số hạng mục bất động sản trong giỏ hàng. 

Họ buộc phải xác định đến cơ cấu tài sản an toàn. Theo nguyên tắc đầu tư, việc dự trữ 30% tiền mặt là điều cần thiết, nhất là trong thời điểm khủng hoảng.

Anh Nguyễn Thắng phân tích về nguyên nhân xảy ra tình trạng cắt lỗ, đó là những nhà đầu tư mắc kẹt hàng và tiền trong đợt sóng lên vừa rồi. Trước đó, một số nhà đầu tư quá lạc quan rằng, đất sẽ sốt trở lại nên vội vã ôm hàng. Giờ họ không đủ vốn để giữ hàng nên buộc phải cắt lỗ. Họ quan điểm, thà lỗ ít tiền còn hơn là giữ hàng lâu dài.

"Trước đó, cũng có trường hợp nhà đầu tư mua phải giá ảo nên họ phải xuống giá, bằng với mặt bằng thị trường. Thực ra chỉ là cắt lỗ so với giá mua chứ so với thị trường, đó là mức giá thông thường" – anh Thắng nói. 

Nhà đầu tư vẫn găm hàng chờ sốt đất trở lại 

Dù thị trường ghi nhận tình trạng cắt lỗ nhưng theo nhiều nhà đầu tư, đây chỉ là diễn biến cục bộ và tạm thời.

Nhà đầu tư Triệu Thái (Quảng Ninh) cho rằng, lượng sản phẩm cắt lỗ rất nhỏ, chỉ xảy ra ở 1 số dự án, cũng như 1 số khu vực. Điển hình như một dự án ở Bắc Giang có 100 chủ đất nhưng chỉ 1-2 người cắt lỗ. Đây là những người mua phải giá đắt, hoặc quá kẹt vốn. Còn đa phần các nhà đầu tư khi đã bỏ vốn, xác định kinh doanh lâu dài. Họ giữ hàng và không "manh động" đẩy vào thời điểm này. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ xác định đợi 1-2 năm. 

"Đất nền chỉ hạ giá cục bộ, nhất thời. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, sốt đất chắc chắn sớm quay trở lại" – anh Triệu Thái khẳng định. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, về mặt bằng chung, giá đất nền lại có chiều hướng tăng. Lý giải về vấn đề này, vị lãnh đạo VARs cho rằng, quỹ đất ở của các thành phố ngày một hạn hẹp, trong khi đó, nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao. Đồng thời, khác với các thành phố lớn, người dân ở các địa phương cũng ít có sự lựa chọn các kênh đầu tư hơn. Khi có tiền, chủ yếu họ đều lựa chọn đầu tư bất động sản, trong đó đặc biệt ưa thích đất nền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam nhấn mạnh, đất nền vẫn là phân khúc được nhà đầu tư ưa chuộng. Ông Hoàng dự báo, đất nền sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.

"Trước tác động của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu của thị trường nhìn chung suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét về dài hạn, tâm lý sở hữu đất nền vẫn còn khá lớn. Chính sự khan hiếm đã đẩy mức giá bán của loại hình này trên thị trường sơ cấp tăng lên" – ông Hoàng nói.