Nỗi lo giá BĐS leo thang trong bối cảnh lạm phát
Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào lĩnh vực BĐS khi tâm lý lo ngại lạm phát ngày càng tăng lên. Chương trình phục hồi nền kinh tế với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng của Chính phủ chuẩn bị bung ra cộng hưởng giá xăng dầu, nguyên vật liệu vẫn đang tăng mạnh là loạt dấu hiệu dự báo lạm phát. Theo TS Trần Nguyễn Minh Hải, Trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM, lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến "một đồng tiền của ngày mai sẽ không giá trị bằng đồng tiền của ngày hôm nay". Với bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ phải rút tiền ra khỏi ngân hàng vốn có lãi suất không thể theo kịp tốc độ lạm phát và đổ vào các kênh đầu tư an toàn hơn là BĐS.
Trong khi đó, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, khi lạm phát xảy ra, thị trường sẽ ghi nhận dòng tiền đổ mạnh vào kênh đầu tư BĐS, nơi được mệnh danh là "trữ tiền an toàn". BĐS có mối tương quan với lạm phát, một khi lạm phát gia tăng, giá BĐS thường có xu hướng tăng theo, thậm chí tăng mạnh. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng. Khi lạm phát càng mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái điều chỉnh như tăng lãi suất. Lãi suất càng cao, khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế, khả năng thanh khoản của BĐS sẽ trở nên khó khăn.
Chi phí xây dựng cùng áp lực lạm phát dự báo sẽ khiến giá nhà đất tiếp tục tăng cao trong các quý tới đây.
Số liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, giá căn hộ trung cấp tại TP.HCM hiện đã chạm mốc gần 60 triệu/m2, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có một số dự án tăng giá bán lên 11% trong vòng 3 tháng. Báo cáo thị trường tháng 1/2022 của TinNhaDatVN.Com cũng chỉ ra, giá căn hộ Hà Nội và TP.HCM có xu hướng tăng 1,8-4,4% so với cuối năm tháng 12/2021. Xu hướng tăng giá nhà sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh kịch bản lạm phát đã diễn ra trước mắt và các chi phí xây dựng không ngừng tăng.
Báo cáo