Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ “chặt chẽ” (trước tháng 10/2022) sang “chắc chắn” (từ tháng 10/2022) và tiếp tục chuyển sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” (từ tháng 6/2023) là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Dòng tín dụng vào BĐS đã và đang được điều chỉnh cho phù hợp cả về room tín dụng và mức lãi suất nhằm phát triển thị trường một cách an toàn, bền vững. Ngoài ra, các dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được tích cực tham vấn ý kiến để hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) cũng được kỳ vọng sẽ có những điểm sáng mới góp phần tháo gỡ các nút thắt pháp lý gây trở ngại cho hoạt động của DN BĐS.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ giữa quý II/2024.
Nhận định về tiến trình phục hồi của thị trường, PGS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thị trường BĐS đã phục hồi tương đối nhưng chưa bứt phá. Đến thời điểm này, thị trường BĐS vẫn trong giai đoạn trầm lắng, tuy nhiên trạng thái thị trường đã có sự thay đổi so với thời điểm cuối 2022 - đầu 2023. Giai đoạn trước, cùng với sự “đổ bể” của thị trường trái phiếu DN và khủng hoảng niềm tin của khách hàng, áp lực trả nợ với các DN BĐS lớn đến mức đe dọa sự tồn tại của họ trên thị trường. Cho đến nay, áp lực này đã “nhẹ gánh”.
Dù vậy, theo ông Cường, sự phục hồi của thị trường cũng chỉ tương đối, dần ổn định chứ chưa thể bứt phá. “Do nền kinh tế vẫn chưa phục hồi, sức mua kém nên thị trường BĐS cũng chưa thể nói là đã sôi động trở lại. Thanh khoản ở các phân khúc còn hạn chế, trong khi đó lượng cung ít dẫn đến giá bán giảm không đáng kể, những biểu hiện tái cấu trúc còn chưa thật rõ ràng” – ông Cường nhận định.
Nhìn nhận về bức tranh thị trường BĐS , Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường đã đón liên tiếp những đợt “tiếp sức” từ các cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, đây là động lực góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi của thị trường.
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS, những nỗ lực từ nhiều phía đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường BĐS, đến nay, tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu.
Tuy nhiên, dù sức khỏe của các DN BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện, song vẫn chưa cải thiện hoàn toàn và trên diện rộng. Điều này được thể hiện ở số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 DN BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành.
Giới chuyên gia nhận định, giải pháp hàng đầu để phục hồi thị trường BĐS chính là thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, tăng mạnh nguồn cung, đặc biệt là ở các thành phố lớn.