Thất nghiệp vì Covid-19, người vay mua nhà như “ngồi trên đống lửa”

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua nhà trả góp. Không ít người như đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết lấy đâu ra tiền để trang trải khoản nợ ngân hàng.

Sau nhiều năm đi thuê nhà ở, tháng 6/2018, vợ chồng anh Đức Thắng (quê Hưng Yên) quyết định mua một căn hộ chung cư rộng gần 70m2 trên đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức) với giá 1,7 tỷ đồng. Trong đó, 700 triệu đồng là tiền tiết kiệm và tiền bố mẹ cho, còn lại 1 tỷ đồng vợ chồng anh vay vốn tại một ngân hàng cổ phần trong vòng 15 năm, lãi suất 10,5%/năm. Số tiền phải trả lãi và gốc hàng tháng (kể từ năm thứ hai) đối với khoản vay này vào khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trước đây, tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 30 triệu/tháng. Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng  phát, thu nhập của gia đình bị giảm mất 1 nửa do anh Thắng tạm thời phải nghỉ việc không lương. 

Anh Thắng cho biết mình làm hướng dẫn viên du lịch cho một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội nhưng công ty đã đóng cửa gần 2 tháng nay do không có tour. Tình hình kinh tế khó khăn nên công ty chỉ hỗ trợ một phần lương cho những nhân viên chủ chốt, số còn lại đều phải nghỉ không lương. 

"Cứ ngỡ chỉ nghỉ khoảng 1 tháng là được đi làm trở lại, nhưng tới nay đã gần 2 tháng trôi qua, tình hình dịch bệnh lại ngày càng phức tạp, nguy cơ nghỉ kéo dài là không tránh khỏi. Trước đây thu nhập của tôi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng nay là con số 0. Nếu thanh toán khoản trả góp hàng tháng, số tiền còn lại để chi tiêu cho cả gia đình chỉ còn vẻn vẹn 3 triệu đồng. Tình hình này nếu kéo dài vợ chồng tôi sẽ không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ định kỳ hàng tháng”, anh Thắng lo lắng. 

Người phụ nữ mặc chiếc áo xanh ngồi ôm đầu
Những khách hàng vay mua nhà trả góp như đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết
lấy đâu ra tiền để trang trải khoản nợ ngân hàng. Ảnh minh họa

Cùng chung cảnh ngộ, chị Hoa, giáo viên mầm non một trường tư thục tại Mai Dịch (Cầu Giấy) cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi phải nghỉ việc từ đầu tháng 1 đến nay. Trong khi  đó, hàng tháng vợ chồng chị vẫn phải đều đặn trả nợ lãi và gốc cho khoản vay mua nhà. Theo lời kể của chị Hoa, vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ. Hai vợ chồng làm lụng nhiều năm mới tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng và phải vay ngân hàng thêm 700 triệu để mua một căn hộ hơn 70m2, giá 1,2 tỷ ở quận Hà Đông. 

Trước đây, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng, nhưng từ lúc mất việc "bất đắc dĩ" tới giờ, thu nhập của chị Hoa bị giảm tới 70-80%. Mặc dù nhà trường có hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng nhưng cũng không đủ để chị trang trải cuộc sống. Tất cả mọi chi phí trong nhà từ tiền ăn uống, điện nước đến tiền trả ngân hàng đều trông chờ vào nguồn thu nhập của chồng. Chồng chị Hoa làm việc cho một công ty vận tải. Tuy nhiên, công ty cũng vừa thông báo sắp tới chồng chị sẽ phải nghỉ luân phiên, 1 tuần chỉ làm việc 2-3 ngày. Mặc dù chị Hoa đã xoay sang hướng chế biến đồ ăn vặt tại nhà rồi rao bán online trên facebook nhưng cũng chỉ kiếm thêm được chút tiền đi chợ.

“Hai tháng nay, vợ chồng tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để thu xếp tiền trả lãi ngân hàng, nhưng nếu tình hình này kéo dài nhiều tháng nữa, e rằng chúng tôi khó cầm cự được”, chị Hoa chia sẻ.

Thực tế, anh Thắng, chị Hoa chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị thất nghiệp, giảm lương và đang chật vật với khoản vay mua nhà trả góp. Hiện nay, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, nhiều nhóm cư dân mua nhà đang kêu gọi ngân hàng đưa ra chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà do thu nhập bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trả nợ.

Được biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số ngân hàng bắt đầu triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Theo đó, khách hàng phải chủ động gửi đơn đề nghị ngân hàng giãn nợ và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ thẩm định và xem xét từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đề xuất đều được ngân hàng xét duyệt và các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ mới tập trung nhiều vào nhóm khách doanh nghiệp mà chưa có hướng hỗ trợ cụ thể cho khách hàng cá nhân.

Theo các chuyên gia tài chính, đây là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào tiền túi của các ngân hàng thì rất khó vì các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, họ phải cân đối nguồn thu, nguồn chi và sẽ thực hiện rất chừng mực. Một số chuyên gia cho rằng, cần có gói hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ và có sự tiếp sức từ nguồn tiền ngân sách để giúp người vay vốn vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

D. Minh


>>HoREA khuyến nghị ngân hàng giãn tiến độ trả nợ cho doanh nghiệp BĐS