Bộ Giao thông vận tải đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Theo nội dung văn bản của Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc này phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam và quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dự kiến sẽ có 6-8 làn xe
Hiện nay, các phương tiện giao thông đi từ TP.HCM qua Thủ Dầu Một (Bình Dương) và đến tỉnh Bình Phước theo quốc lộ 13. Do số lượng phương tiện quá lớn nên việc ùn tắc thường xuyên xảy ra. Tỉnh Bình Phước đề xuất triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nhằm nâng cao năng lực vận tải, tăng cường tính kết nối, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự kiến, cao tốc này sẽ thực hiện trước năm 2030 theo hình thức PPP và hợp đồng BOT.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị tư vấn đang cân nhắc 3 phương án đầu tư.
Phương án thứ nhất: Tuyến sẽ bắt đầu từ Bình Chuẩn (Bình Dương) đến Chơn Thành (Bình Phước) đi theo hướng tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Chiều dài tuyến là 55km. Vốn đầu tư theo phương án này là 33.000 tỷ đồng.
Phương án thứ hai: Tuyến sẽ bắt đầu tại nút giao An Phú (TP.HCM) và kết thúc tại Chơn Thành, đi theo tỉnh lộ 743, 745. Vốn đầu tư theo phương án này là khoảng 27.500 tỷ đồng.
Phương án thứ ba: Tuyến sẽ bắt đầu tại Bình Chuẩn và kết thúc tại Chơn Thành, đi trùng theo hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM - Lộc Ninh. Chiều dài tuyến là 55km. Vốn đầu tư theo phương án này là 21.600 tỷ đồng.
Khánh Trang