Sở hữu căn hộ hơn 30m2, giá 160 triệu đồng tại dự án NƠXH Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), chị Bùi Thị Mai, quê Nam Định, làm công nhân một công ty bao bì tại Bình Dương, cho biết, sau gần 5 năm sinh sống, chị thấy rất hài lòng. “Mỗi tháng, sau khi nhận tiền lương, tôi chỉ cần dành 1 triệu đồng để trả góp tiền mua nhà. Vào thời điểm dịch bệnh COVID-19, căn nhà có ý nghĩa vô cùng lớn. Ở phòng trọ đông người, không gian chật hẹp, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều đồng nghiệp có đi hỏi mua nhưng vài năm trở lại đây Bình Dương chưa có dự án nhà ở nào tương tự được xây dựng nên đang trông ngóng”, chị Mai cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, anh Trần Văn Thức, công nhân đang ở trọ tại phường Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho biết, anh cùng vợ thường xuyên đi tới các khu NƠXH ở Bình Dương để hỏi xem có ai bán lại nhà, nhưng chưa tìm thấy. “Tôi biết họ mua dưới 200 triệu đồng/căn, giờ nếu bán dưới 300 triệu đồng, tôi mua lại ngay, kể cả nhà không còn mới”, anh Thức nói.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng luôn được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 1,2 triệu lao động, phần nhiều là lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống, làm việc. Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước về giải quyết NƠXH cho công nhân, nhiều người lao động đã có chỗ ở khang trang, sạch đẹp với giá hợp lý và được sự trợ giúp của Nhà nước. Bình Dương đã xây dựng hơn 50.000 căn NƠXH.
Ông Thao cho hay, tỉnh sẽ thiết kế mô hình NƠXH linh hoạt với nhiều loại sản phẩm, giá bán phù hợp, dao động từ 120 - 280 triệu đồng/căn hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 - 500 triệu đồng/căn hoặc cho thuê với giá 750.000 đồng/tháng/căn.
Để thực hiện giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang thực hiện “Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Bình Dương sẽ đầu tư khoảng 172.000 căn NƠXH, đáp ứng cho khoảng 678.300 người, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Để làm được việc này, Bình Dương ưu tiên dành quỹ đất để nhà đầu tư xây dựng các khu NƠXH. Hiện nay, đã có 23 khu đất do các doanh nghiệp Nhà nước quản lý, 17 khu với 170 ha có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư đề xuất phát triển NƠXH.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, quá trình triển khai các chính sách về NƠXH bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Theo quy định, dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất song vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất mới được miễn khoản tiền này; các đối tượng hưởng chính sách NƠXH phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… Mặt khác, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp.
Theo ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons (Bình Dương), các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia phát triển NƠXH chú trọng nhiều vào giảm giá thành. Trong khi đó lợi nhuận của chủ đầu tư bị khống chế ở định mức khá thấp, do đó chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư.
Tổng Công ty Becamex IDC là doanh nghiệp đi đầu trong mô hình phát triển NƠXH tại Bình Dương. Ông Nguyễn Hồng Hải, Ban tư vấn quy hoạch của doanh nghiệp này, đề xuất cần có mô hình tài chính hỗ trợ như một quỹ phát triển NƠXH; lãi suất cố định trong nhiều năm: 20 năm, 25 năm, 35 năm. Cùng với đó, cần có mô hình nhà ở phù hợp cho từng địa phương với từng điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, trong đó cần tính đến các điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn lực, văn hóa, lối sống các nhóm thu nhập. Theo ông Hải, cần có thị trường để tiếp cận đúng đối tượng, phải là một phân khúc tham gia trực tiếp vào thị trường nhà ở. Quỹ NƠXH nên được quản lý và khai thác linh hoạt hơn, cho thuê hay bán với chi phí hợp lý để sản phẩm này phục vụ đúng mục tiêu ổn định cuộc sống, người thu nhập thấp có nhà ở.