Dự án cầu Cần Giờ với kinh phí gần 11.100 tỷ đồng sẽ là cây cầu đầu tiên nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Giờ, huyện lớn nhất và chiếm đến ⅓ diện tích thành phố.
Dự án cầu Cần Giờ được Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng thẩm định vào cuối năm 2023, dự kiến sẽ khởi công 30/4/2025 và hoàn thành trong năm 2028. Cầu có tổng mức đầu tư gần 11.100 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.
Trên đây là vị trí dự kiến của dự án cầu Cần Giờ. Điểm đầu của dự án nằm trên đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía nam, điểm cuối kết nối vào đường 15B khu dân cư Phú Xuân (huyện Nhà Bè). Dự án có chiều dài khoảng 7,3 km với quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp).
Cầu Cần Giờ sẽ xuyên qua cù lao xanh giữa sông Soài Rạp, sông Chà để kết nối với Xã Phú Xuân, Huyện Nhà Bè. Từ đây, người dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể di chuyển đến quận 7 hoặc trung tâm quận 1 bằng đường Huỳnh Tấn Phát.
Cầu Cần Giờ cũng sẽ kết nối với đường xuyên rừng , một trong những con đường xuyên rừng ngập mặn đẹp nhất Việt Nam.
Đây là khu vực dự kiến khởi công cầu Cần Giờ tại huyện Cần Giờ. Có thể thấy quá trình giải phóng mặt bằng chưa diễn ra. Hầu hết diện tích khu vực này là đầm, ao nuôi thủy sản của người dân.
Con đường di chuyển vào khu vực dự kiến xây cầu Cần Giờ cũng còn hoang sơ, với đầm, ao và cây xanh phủ kín.
Cách đó không xa là một dự án trọng điểm khác của thành phố, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án này vừa trở lại thi công vào giữa năm 2023 sau khoảng 4 năm bỏ hoang, dự kiến hoàn thành quý 3/2025.
Vốn dĩ trong hạng mục dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã có cây cầu Bình Khánh kết nối Cần Giờ và Huyện Nhà Bè. Tuy nhiên dự án này không có kết nối với hệ thống giao thông của huyện Cần Giờ mà đi thẳng qua huyện để đến Nhơn Trạch.
Hiện từ Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Cần Giờ chỉ có con đường độc đạo qua bến phà Bình Khánh. Người dân hai đầu sông chia sẻ hàng ngày cứ vào giờ cao điểm, thì con đường dẫn vào phà sẽ kẹt cứng, những người vào bên trong bến phải đợi từ 10 đến 15 phút mới lên được phà.
So với bến phà Cát Lái kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Nhơn Trạch (Đồng Nai), điểm phà Bình Khánh có lưu lượng sử dụng lớn hơn và quãng đường dài hơn nên thời gian đợi phà cũng rất lâu, dễ gây ùn tắc tại khu vực bến.
Tình trạng này khiến cho quá trình phát triển kinh tế, du lịch Cần Giờ bị cản trở. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu dự án cảng trung chuyển quốc tế (hay còn gọi là siêu cảng Cần Giờ) và khu đô thị lấn biển Cần Giờ để khai thác tối đa tiềm năng của huyện biển.
Chính vì thế, việc xây dựng cầu kết nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ là cần thiết và cấp bách, giúp người dân thoát cảnh “qua sông lụy phà” như hiện nay. Trong ảnh là phối cảnh cầu Cần Giờ. Trong tương lai, cây cầu này sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối thành phố Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh.