Khó duy trì thu nhập
Từng kỳ vọng năm 2020 sẽ khởi sắc hơn sau khi đã trải qua một năm 2019 đối mặt không ít khó khăn về nguồn cung và pháp lý, anh Phạm Quang Trường, nhân viên kinh doanh tại một công ty BĐS lớn ở quận 1, TP.HCM ngậm ngùi thừa nhận từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục khó khăn và khó đạt được mục tiêu ban đầu.
Anh Trường cho biết, quý 2 năm nay nhìn chung khác so với năm trước khi mà cả nguồn cung và nhu cầu mua đều không cao, khó chốt giao dịch trong khi nguồn hàng bán thiếu đa dạng, giá bán neo cao, nhà đầu tư không dư dả tài chính. Trong thời điểm đầu quý 2, anh cũng đã liên hệ với một vài khách quen, nhưng khi đề cập tới việc mua dự án thì câu trả lời là cần suy nghĩ lại, một số còn thẳng thắn nói năm nay tạm thời không đầu tư để bảo trì dòng tiền. “Năm 2019 thu nhập của tôi so với 2018 giảm đến gần 50%, năm nay thì chắc sẽ phải giảm 70-80%. Mọi hi vọng dồn vào quý cuối của năm nhưng để phục hồi hoàn toàn thì chắc phải sang năm 2021. Năm nay tôi xác định không đặt nặng mục tiêu tăng thu nhập mà bảo toàn công việc là tốt rồi”, anh Trường chia sẻ.
Lượng môi giới thất nghiệp, bỏ nghề tăng mạnh trong năm 2020. Ảnh minh họa
Từng kiếm được cả trăm triệu với một giao dịch, anh N.T.T. Tuấn, một môi giới nhà đất tại quận 9 cho biết, đang phải ngồi đợi công ty có thông báo mới về nhân sự khi liên tục 4 tháng không có hoạt động bán hàng nào. Hoạt động kinh doanh của công ty giảm sút từ 70-80% và BGĐ cũng xác định là năm nay sẽ khó khăn, ít nhất cuối năm mới có hàng để bán. Thay vì ngồi chơi xơi nước, anh Tuấn đang chuyển hướng sang nhận giao dịch đất thổ cư và căn hộ thứ cấp để kiếm thêm thu nhập, nhưng chốt đơn cũng không dễ.
“Khó khăn không phải là không có khách mà là không chốt được giao dịch do bên mua, bên bán bất đồng về giá cả. Vài tháng qua phần lớn khách hàng hỏi mua đất đều giữ tâm lý chờ mua giá rẻ còn người bán thì vẫn hét giá cao, không hề giảm giá hay có động thái nhân nhượng. Tôi đã gặp nhiều trường hợp người bán gặp khó khăn cần ra hàng gấp nhưng nhất quyết không giảm giá xuống một chút nào, còn người mua thì ở tâm lý giá tốt thì mua, không có gì phải vội. Chính vì vậy mà gần như rất ít giao dịch được chốt thành công dù vẫn có rất nhiều yêu cầu tìm mua, tìm bán”, anh Tuấn cho biết.
Cần thích nghi để vượt khủng hoảng
Chia sẻ với TinNhaDatVN.Com về tình hình đầu tư cũng như hoạt động của môi giới BĐS trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Duy Dũng, Giám đốc Công ty BĐS Gia Huy Land nhìn nhận, đại dịch vừa qua đã ảnh hưởng nền kinh tế hết sức nặng nề, ngành BĐS và các nhân sự đang kinh doanh trong lĩnh vực này cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Giám đốc Công ty BĐS Gia Huy Land
Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 1/2020 do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp BĐS chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ. Trong 3 tháng đầu năm 2020, có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch. Nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch đang hoạt động cầm chừng. Điều này phản ánh rõ bức tranh tổng thể chung của thị trường BĐS là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, giai đoạn chống dịch Covid-19 chính là thời điểm để thị trường tự thanh lọc, từ việc thanh lọc doanh nghiệp, sản phẩm cho đến nhân sự trong ngành. Riêng đối với nhân sự BĐS, dịch bệnh lần này có thể xem là cơ hội để môi giới BĐS có thêm những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bước qua được giai đoạn khủng hoảng, có những kiến thức nhất định để duy trì hoạt động khi thị trường gặp lực cản.
“Một cách khách quan mà nói thì BĐS vẫn còn may mắn hơn rất nhiều ngành nghề khác khi các môi giới vẫn có thể lựa chọn hình thức làm việc online. Dù không trực tiếp chốt sale nhưng thông qua việc đăng tin bán online, tương tác với khách hàng tại nhà, chốt giao dịch thông qua tính năng bán hàng trực tuyến… môi giới vẫn có thể tìm khách trong mùa dịch. Vì giãn cách xã hội, lượng khách hàng tìm kiếm BĐS online tăng cao hơn do họ có thời gian tìm kiếm sản phẩm nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để môi giới tích lũy khách hàng tiềm năng cho các hoạt động mở bán đợt sau”, ông Dũng nói.
Nhìn nhận về mãi lực của thị trường tới đây, ông Dũng nhận định, thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực hơn. Việc Chính phủ đang hỗ trợ tốt doanh nghiệp BĐS, từ việc gia hạn thời gian trả nợ, giảm lãi suất và cho vay ưu đãi sẽ phần nào giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của Thủ tướng mới đây cũng là động thái rất tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp BĐS sẽ được hưởng lợi.
Phương Uyên