Savills: Kiều hối dồn dập đổ vào bất động sản, tương đương 10.000 căn hộ mỗi năm...sắp tới, giới siêu giàu thế giới cũng sẽ ồ ạt đổ vốn vào bất động sản Việt Nam

Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều trong Luật Đất đai 2024 sửa đổi sẽ là động lực thúc đẩy, thu hút giới đầu tư "siêu giàu" nhanh chóng “đổ vốn” vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Kiều hối đổ vào Việt Nam liên tục tăng mạnh qua các năm

Số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối), đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Đây là con số kỷ lục, đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài. Trong đó, phần lớn kiều hối được gửi về từ các nước châu Á thông qua người lao động và không ít trong số tiền này đã được chảy vào thị trường bất động sản.

Một thống kê từ năm 2016 của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ ra, khoảng 15-20% số tiền kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.

Các chuyên gia lý giải, hậu dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, các ngành nghề đều gặp phải sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu. Nhằm thúc đẩy sự hồi phục kinh tế, một số nước đã bắt đầu tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh.

Điều này đã giúp lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng lên. Đây cũng là một phần lý do khiến lượng kiều hối tăng cao so với năm ngoái; đồng thời, dù kiều bào gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương hỗ trợ giúp đỡ thân nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần. Hiện, cộng đồng có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua giúp Việt Kiều dễ dàng sở hữu bất động sản tại Việt Nam

Trước đây, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư mua nhà, đất tại Việt Nam đều phải thông qua người thân hoặc họ hàng. Tình trạng này dễ dẫn đến tranh chấp về tài sản. Do đó, quy định trên sẽ giúp giải quyết vấn đề này và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản.

Nhằm đáp ứng về nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản của người Việt Nam ở nước ngoài và giúp giải quyết những vấn đề khác, Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.

Nhận định về vấn đề này, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, đây là một sự thay đổi đáng hoan nghênh, giúp kích thích nhiều kiều hối hơn và nhiều cơ hội hơn cho người mua là Việt kiều. Dựa theo nghiên cứu của Savills, thị trường bất động sản tại Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm từ thị trường nước ngoài, đây cũng sẽ là yếu tố khuyến khích, kích cầu nhiều Việt kiều hơn.

Tuy nhiên, điều này vẫn tùy thuộc vào vị trí của người Việt sinh sống tại nước ngoài và quốc gia họ đang sinh sống. Đơn cử như Praha với mật độ Việt kiều cao, hoặc các thành phố ở Tây Âu như Paris và London, hoặc các nước như Mỹ, Úc có thể sẽ tập trung hơn vào bất động sản ở TP.HCM. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chí đầu tư và sở thích về vị trí của họ. Ngoài ra, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng và bất động sản hàng hiệu tại Đà Nẵng và các điểm tương tự sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, bổ sung thêm các cơ hội mới.

Đặc biệt, ông Matthew Powell cho rằng, sau khi Luật Đất đai được thông qua, không chỉ có người Việt Nam có tài sản ròng cao tìm kiếm bất động sản quốc tế, mà những nhà đầu tư siêu giàu từ khắp nơi trên thế giới cũng đang tìm cách đầu tư vào Việt Nam, đơn cử như các nhà đầu tư đến từ Anh, Mỹ, Úc và các thị trường khác.

Trong những năm qua, thị trường đã ghi nhận thị hiếu đầu tư của giới này chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang trong thành phố hoặc bất động sản hàng hiệu. Vì vậy, Savills nhận thấy sự quan tâm rất lớn đến thị trường Việt Nam do các sản phẩm và loại tài sản dành cho các nhà đầu tư quốc tế. Những thay đổi về Luật Đất đai chắc chắn sẽ kích cầu thị trường và chắc chắn sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người mua quốc tế.

Một yếu tố nữa mà các nhà đầu tư có giá trị ròng cao chú trọng chính là chủ đầu tư, họ thường lựa chọn những chủ đầu tư uy tín và có danh tiếng. Do đó, các dự án về bất động sản có thương hiệu sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư giàu có.

Tại thị trường Việt Nam, đại diện Savills cho biết, doanh nghiệp cũng đang kết nối với một số cá nhân có giá trị tài sản ròng "cao đến siêu cao" từ Trung Đông, Ấn Độ và một số các thị trường khác. Đối với họ, Việt Nam đang trở thành một điểm đến tiềm năng cho việc mua nhà thứ hai hoặc mở rộng kênh đầu tư bất động sản.

So sánh về tiềm năng thị trường với Ấn Độ, ông Jonathan đánh giá, thị trường bất động sản thương mại và nhà ở tại đây đang có nhiều biến động và thu hút cả đầu tư nội địa và ngọai địa. Tuy nhiên, thị trường này chỉ cho phép người nước ngoài đầu tư vào phân khúc bất động sản thương mại, thay vì nhà ở.

Còn cơ hội tại Việt Nam, lại được mở rộng khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào đa dạng các phân khúc, không chỉ bó hẹp tại loại hình nhà ở hay văn phòng.

Đồng thời, ông cũng khẳng định rất nhiều cơ hội tiềm năng khác tại thị trường Việt Nam cần được nghiên cứu và khai thác, đặc biệt về yếu tố nguồn cung về bất động sản hàng hiệu hay các khu nghỉ dưỡng chất lượng với chủ đầu tư và thương hiệu quản lý uy tín.