Thời điểm cuối năm, phía Tây Hà Nội sôi nổi khi hàng loạt thông tin về các dự án mới được tung ra thị trường. Nguồn cung bất động sản Hà Nội là sự chiếm lĩnh của thị trường phía Tây với nhiều dự án ra hàng tập trung ở khu vực này.
Rầm Rộ Dự Án Mới Phía Tây Hà Nội
Một thực tế là nguồn cung bất động sản mới của thị trường phía Tây Hà Nội chủ yếu là dòng căn hộ và tập trung chính ở khu đô thị Vinhomes Smart City. Đại đô thị này đã, đang và sẽ chứng kiến cuộc ra hàng của loạt ông lớn địa ốc vào thời điểm cuối năm 2023 và đầu 2024. Sau khi dự án The Canopy Residences được hợp tác phát triển bởi Vinhomes và Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) chính thức nhận booking, mới đây nhất, khu đô thị Vinhomes Smart City đón nhận thêm thông tin 2 dự án mới sẽ mở bán thời gian sắp tới là Lumiere Smart City và Lumi Hanoi.
Trong đó, Lumiere Smart City bao gồm 3 toà căn hộ, được định vị là dòng sản phẩm cao cấp của chủ đầu tư Masterise Homes. Dù ở thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án là Masterise Homes vẫn chưa công bố chính thức mặt bằng quy hoạch dự án nhưng dựa trên quy hoạch chung của khu đô thị, 3 toà căn hộ của Lumiere Smart City được dự đoán sẽ gồm một tòa căn hộ hình chữ U và 2 toà căn hộ hình cánh cung. Trong đó, toà hình chữ U dự kiến sẽ có 30 căn hộ mỗi sàn. Hai toà cánh cung được xây dựng theo mặt bằng chữ L, sẽ có khoảng 20 căn hộ mỗi sàn với chiều cao từ 38 đến 39 tầng.
Bên cạnh Lumiere Smart City, chủ đầu tư CapitaLand Development cũng mới công bố dự án căn hộ cao cấp Lumi Hanoi, thuộc quần thể Vinhomes Smart City. Dự án có tổng diện tích khu đất gần 5,6 ha, dự kiến khởi công vào quý 1/2024, bổ sung cho nguồn cung bất động sản Hà Nội khoảng 4.000 căn hộ thuộc 9 tòa tháp cao từ 29 đến 35 tầng với đa dạng diện từ 42-135m2.
Cùng thời điểm, toà SA1 thuộc phân khu The Sakura của chủ đầu tư Vingroup cũng thông báo nhận cọc. SA1 là toà cuối cùng của phân khu The Sakura thuộc khu đô thị Vinhomes Smart City. Được biết, toà nhà được thiết kế theo hình chữ Z với chiều cao 38 tầng, đa dạng loại hình căn hộ với diện tích linh hoạt từ 25,1-82,4m2, mật độ 19 căn/sàn. Trước đó, phân khu The Sakura đã bàn giao 2 tòa SA2, SA3 và tòa SA5 đang xây dựng.
Bên cạnh những dự án mới được giới thiệu hoặc lần đầu ra hàng, khu Tây cũng ghi nhận nguồn cung bất động sản sơ cấp đến từ các dự án đang mở bán đợt kế tiếp là Moonlight An Lạc, Hoàng Thành Pearl, Capital Elite, CT4 Yên Nghĩa… Trong số các nguồn cung bất động sản tung hàng đợt này thì CT4 Yên Nghĩa có mức giá mềm nhất, dao động 22-27 triệu đồng/m2, các dự án còn lại đều có mức giá từ 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, CT4 Yên Nghĩa cũng có vị trí xa trung tâm nhất trong các dự án kể trên.
Khu Tây Hà Nội Vẫn Là Địa Hạt Tiềm Năng
Nhìn nhận về thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết so với những khu vực khác của thủ đô thì phía Tây là khu vực có những chuyển động sớm hơn nên diện mạo bức tranh đô thị ngày càng rõ nét. Thị trường bất động sản phía Tây sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh với các tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, Vành đai 2, Vành đai 3, đại lộ Thăng Long và dự kiến Vành đai 3,5, vành đai 4 kèm các dự án đường sắt đô thị số 2A, số 3 được triển khai tại khu vực.
Cũng theo bà Hằng, kể từ năm 2011 đến nay, phía Tây Hà Nội luôn dẫn đầu về nguồn cung bất động sản toàn thị trường với khoảng 30%. Khu vực này vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội trong thời gian sắp tới, tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan để giảm áp lực về dân cư và lưu lượng đi lại lớn.
Nhìn nhận về sức hút của thị trường phía Tây, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bên cạnh sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng thì lợi thế của phía Tây Hà Nội là sự tập trung của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp khiến nơi đây có sức hút lớn về bất động sản nhà ở, thương mại và dịch vụ. Cuộc dịch chuyển trung tâm hành chính về phía Tây thủ đô đã kéo theo thay đổi lớn về hệ thống tiện ích, dịch vụ, đưa khu vực này thực sự trở thành "thỏi nam châm" của Hà Nội. Do đó, khu vực này có sự dồi dào của nguồn cung bất động sản.
Ở một góc nhìn khác, với giới đầu tư đã hơn thập kỉ lăn lộn thị trường phía Tây, ông Trần Văn Duyến, trú tại Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, bất động sản phía Tây dù tiềm năng nhưng đã phát triển nóng trong khoảng một thập kỷ qua nên không còn hấp dẫn để đầu tư. Ngoại trừ đất nền ở một số khu vực ăn theo các tuyến đường lớn được triển khai như đường vành đai 4, các tuyến đường sắt đô thị thì nhìn chung toàn thị trường không còn quá tiềm năng. Nguồn cung bất động sản phía Tây hiện thích hợp cho nhu cầu ở hơn là đầu tư. “Tôi không nhìn thấy dư địa tăng giá mạnh của phía Tây Hà Nội, đặc biệt là các phân khúc như căn hộ chung cư, biệt thự liền kề và đất nền một số khu vực do mặt bằng giá bị đẩy lên quá cao”, ông Duyến nhấn mạnh.
Nguyễn Nam
TỪ KHÓA: Bất động sản Hà Nội