Chung cư sẽ tăng 3- 8%
Thời gian qua, thị trường bất động sản khó khăn nhưng giá bất động sản vẫn neo ở mức cao, thậm chí, phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn vẫn duy trì đà tăng, thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục, vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Điều này trái ngược với sự sụt giảm về mức giá và thanh khoản của sản phẩm đất nền, biệt thự, shophouse, liền kề, nhà phố.
Nguyên nhân bởi số lượng chung cư giảm sau nhiều năm. Số liệu công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho hay, năm 2022, cả nước có 126 dự án được cấp phép mới, chỉ bằng 52,7% so với năm 2021 và 17% năm 2020.
Đáng chú ý, không có bất kỳ dự án nhà ở hình thành trong tương lai nào thuộc phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở trong năm 2021 và năm 2022. Tỷ trọng căn hộ trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở cũng liên tục giảm 2 con số kể từ năm 2020.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt nam cũng cho thấy, số lượng căn hộ bình dân, trung cấp được chào bán liên tục sụt giảm kể từ năm 2019. Cụ thể, tổng số căn hộ bình dân mở bán trong năm 2022 chỉ bằng 10% so với năm 2019.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% vào năm 2022. Trong giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp cũng lần lượt tụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27%.
“Trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3% - 8%. Nguyên do là nguồn cung trong ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết. Việc khan hiếm nguồn cung mới khiến thị trường thiếu tính cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp có dự án chung cư mở bán giai đoạn này là “vua" “, Hội Môi giới Việt Nam khẳng định.
Theo Hội Môi giới, việc gặp khó khăn về dòng tiền, chủ đầu tư sẽ tiếp tục giữ giá cao để tối đa hóa lợi nhuận. Ngoài ra, giá chung cư cao cũng do có nhiều yếu tố hỗ trợ như: cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện; chi phí đầu tư, xây dựng tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí tiếp cận tài chính tăng; chi phí tạo lập quỹ đất quá cao cùng nhiều khoản chi phí “không tên" phát sinh khi thực hiện thủ tục đầu đầu tư, xây dựng, phát triển dự án.
Bất động sản công nghiệp duy trì tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, phân khúc bất động sản công nghiệp có vẻ "khởi sắc", trong quý III, thị trường được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới như: Khu công nghiệp VSIP II quy mô 500 ha tại Nghệ An, VSIP Cần Thơ quy mô 900 ha, VSIP Bắc Ninh II quy mô 282 ha, khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250 ha tại Bắc Ninh, khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410 ha tại Đồng Nai...
Với việc lượng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm nay tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với hơn 14 tỷ USD, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian vừa qua khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Theo báo cáo mới nhất từ Knight Frank, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì hướng phát triển ổn định, kèm theo đó là một số nhân tố trọng yếu sẽ xuất hiện trong năm 2024, tác động đến cả chủ đầu tư và khách thuê.
Báo cáo của Knight Frank cho thấy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện đang rất khả quan, tại khu vực ngoại thành Hà Nội là 78% và tại TPHCM là 92%. Hệ quả là giá thuê đất khu công nghiệp tại hai thành phố lớn nhất cả nước cũng tăng cao trong giai đoạn 2022-2023, cụ thể là tăng 14% ở ngoại thành Hà Nội và 58% ở ngoại thành TPHCM.