Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, trong tháng 5/2020 thị trường BĐS đang bật dậy, tỉ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên, khoảng gần 6 lần, tỉ lệ tiêu thụ cũng tăng lên 15% so với tháng 4/2020. Dù mới được tháo gỡ về giãn cách ly xã hội mà thị trường BĐS đã quay trở lại tốt như vậy thì nếu được tháo gỡ về chính sách, thủ tục còn sẽ bật dậy mạnh mẽ hơn.
Theo ông Châu, hiện các NĐT đang quay trở lại để đón dòng vốn từ nước ngoài về. Mặc dù dòng vốn này ở thời điểm này còn hạn chế. Vị chuyên gia này chỉ ra những nền tảng tốt để thị trường BĐS Tp.HCM kì vọng sức đua trở lại trong thời gian tới. Trong đó hàng loạt dự án hạ tầng đã và đang được triển khai trong năm nay là điểm nhấn rõ nét nhất.
Cụ thể, triển khai đường vành đai 3, khép kín vành đai 2, đề xuất làm tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa từ ga Sóng Thần đến cảng Cái Mép, nối từ cảng Cát Lái qua KCN Tân Thuận…Hay, làm tuyến đường cao tốc từ ngã ba Biên Hòa (Đồng Nai) đi cảng Cái Mép; cao tốc từ ngã tư Dầu Giây đi Phan Thiết, lên sân bay Liên Khương (Lâm Đồng); rồi cầu Cát Lái từ Q.2 qua Nhơn Trạch, và dự kiến sẽ đầu tư một cây cầu từ Q.9 qua Nhơn Trạch…
Lượng khách quay lại thị trường tìm hiểu dự khả quan sau thời điểm dịch
Theo Chủ tịch HoREA đó là những yếu tố sẽ tác động rõ nét đến thị trường BĐS. Dù trải qua những khó khăn về nguồn cung, dịch bệnh, vị chuyên gia này khẳng định vẫn có niềm tin rất lớn rằng BĐS sẽ phục hồi trở lại nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu nhà ở còn rất lớn trên thị trường.
Về câu chuyện giá BĐS, liệu có sự kì vọng có đợt giảm giá BĐS sau thời điểm này, ông Châu BĐS khẳng định, không có chuyện giảm giá BĐS. Có chăng, giá BĐS chỉ giảm nhẹ trên thị trường thứ cấp do một số NĐT không chịu nỗi áp lực về dòng tiền. Còn riêng thị trường sơ cấp không giảm. Nếu NĐT nào mua được giá gốc mà doanh nghiệp bán ra vẫn hưởng mức lợi khá tốt. "Hiện nay các doanh nghiệp phát triển dự án cũng đã đưa ra mức lợi nhuận hợp lý thay vì siêu lợi nhuận như trước đây, chia sẻ lợi nhuận với NĐT thứ cấp, người mua ở…", ông Châu nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, hiện nay rất nhiều chủ trương chính sách của Chính phủ, các ban ngành được ban hành để hỗ trợ cho thị trường BĐS nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, Chính phủ đang sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Khi nhà ở xã hội phát triển tốt sẽ hỗ trợ thị trường phát triển ổn định.
Tiếp theo, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ.
Đồng thời, Bộ xây dựng tiếp tục rà soát để sửa đổi Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS góp phần giải quyết những khâu vướng mắc không đáng có trong quá trình đầu tư, phát triển dự án.
Theo ông Ninh, về Nghị định 100/2018/NĐ-CP liên quan đến BĐS, sắp tới, có 5 vấn đề lớn phải sửa đổi để trình Chính phủ xem xét: Điều chỉnh lại việc bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội; các quy định liên quan đến lựa chọn, ưu đãi cho NĐT làm nhà ở xã hội; phương thức xác định giá, thẩm định giá; quản lý nguồn vốn ưu đãi, vốn vay; các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ sẽ cắt giảm tinh gọn.
Còn theo hầu hết các doanh nghiệp BĐS, hiện nay lượng khách quay trở lại thị trường tìm hiểu dự án đã khá khả quan, thậm chí, ở một số phân khúc, sản phẩm vượt sự kì vọng của doanh nghiệp. Nếu những nút thắt về pháp lý được tháo gỡ thì nguồn cung ra thị trường sẽ dồi dào, người mua sẽ có nhiều sự lựa chọn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.