Những ông lớn nào đang nắm nhiều quỹ đất bất động sản công nghiệp

Thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Do đó, các doanh nghiệp có quỹ đất thương phẩm lớn, có KCN nằm tại các tỉnh trọng điểm là vệ tinh sản xuất quanh Hà Nội và TP.HCM hưởng lợi.

Theo báo cáo triển vọng quý IV/2022 của Chứng khoán KB (KBSV), đơn vị này đánh giá ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ có triển vọng tích cực trong quý IV, bên cạnh việc hưởng lợi nhờ đẩy mạnh đầu tư công, việc đứt gãy nguồn cung do xung đột và thiên tai cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 16,8 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là vốn đăng ký tăng thêm tiếp tục tăng trưởng, đạt 7,5 tỷ USD, tăng 50% và vốn thực hiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 11%, là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. KBSV kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục phục hồi nhờ việc mở cửa lại hoàn toàn và nối lại các chuyến bay quốc tế.

Bên cạnh đó, trong quý II, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) tại cả miền Bắc và miền Nam đều duy trì ở mức ổn định, giá thuê đều tăng cao nhờ nhu cầu thuê đất hồi phục sau đại dịch.

Cụ thể, tại khu vực phía Nam, nguồn cung mới gia tăng nhưng tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở mức 85% cho thấy nhu cầu vẫn tăng cao. Giá cho thuê tiếp tục đạt mức đỉnh mới là 125 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong quý đạt 79%, tăng 4% so cùng kỳ năm ngoái. Giá cho thuê đạt 110 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Về phía các doanh nghiệp, theo KBSV, các doanh nghiệp trong ngành đáng chú ý sẽ là các đơn vị có quỹ đất thương phẩm lớn, có KCN nằm tại các tỉnh trọng điểm là vệ tinh sản xuất quanh Hà Nội và TP.HCM như Kinh Bắc (KBC), Cao su Phước Hòa (PHR), Nam Tân Uyên (NTC), IDICO (IDC).

Trong đó, theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Kinh Bắc đang quỹ đất KCN sẵn sàng khai thác là khoảng 260 - 270 ha. Cụ thể, tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh là 95 ha, tại KCN Quang Châu mở rộng là 46 ha, tại KCN Tràng Duệ 3 là 133 ha. Với tốc độ cho thuê hiện tại, quỹ đất này đảm bảo đóng góp doanh thu ổn định trong 2022 - 2023.

Với IDICO, theo thông tin của KBSV, tổng diện tích đất cho thuê còn lại của IDC lên tới hơn 750ha. Các dự án KCN Hựu Thạnh, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II MR kỳ vọng đảm bảo tăng trưởng cho IDC trong trung hạn.

Về triển vọng của ngành, KBSV cho rằng ngành bất động sản KCN Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ các hợp đồng thương mại tự do (FTAs) được ký kết cũng như Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc nhờ chi phí nhân công, giá cho thuê đất và chi phí đầu tư thấp hơn so với khu vực.

Đồng thời, đầu tư công được đẩy mạnh với nhiều dự án hạ tầng tăng kết nối giữa các vùng, kết nối Việt Nam với quốc tế, cũng là yếu tố thu hút FDI trong tương lai.

Ngoài ra, chuyên gia của Savills cũng chỉ ra những nhân tố đang ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động của công nghiệp Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang đưa ra các chính sách kích cầu du lịch nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, cho thuê và hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài còn được hưởng lợi từ chính sách đưa thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về 0% trong 4 năm đầu hoạt động và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.

Đồng thời, Chính phủ cũng giúp các doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ các Nghị định hỗ trợ công nhân sở hữu nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có của Việt Nam về lực lượng lao động dồi dào.