Chậm ban hành hàng loạt quy định quan trọng
Như Báo Công Thương thông tin, qua thanh tra công tác quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, hạn chế, tồn tại.
Một trong những tồn tại được chỉ ra là UBND TP. Hà Nội chưa ban hành Quy trình chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất theo Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016 của Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thanh tra Bộ Tài chính xác định, thời điểm thanh tra là tháng 12/2023, Sở TNMT TP. Hà Nội chưa tham mưu UBND thành phố ban hành Quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng trên địa bàn theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT.
“Việc UBND thành phố chưa ban hành Quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm luân chuyển hồ sơ khi xác định giá đất của nhiều dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trên địa bàn; điển hình tại một số dự án đã được UBND thành phố giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng và bán nhà, đất nhưng chưa có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, đơn vị đang sử dụng đất nhưng chưa có quyết định cho thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, chậm xác định nghĩa vụ tài chính khi điều chỉnh quy hoạch xây; Sở Tài chính thiếu thông tin ghi thu, ghi chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai 2013”, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Dự án bán hết nhà vẫn chưa có quyết định phê duyệt giá
Từ sự chậm trễ của Sở TNMT cùng các đơn vị có liên quan trong việc luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đã dẫn tới việc UBND TP. Hà Nội chưa phê duyệt giá đất cụ thể, chưa ban hành quyết định cho thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, cơ quan Thuế chưa có căn cứ để tổ chức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 62 khu đất.
Trong đó, có 22 khu đất với tổng diện tích 514.795m2 đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, cơ quan Thuế chưa có căn cứ để tính và ban hành thông báo tiền sử dụng đất, tiền thuế đất phải nộp Ngân sách Nhà nước.
Một trong những điển hình được Thanh tra Bộ Tài chính dẫn chứng là Dự án Chung cư cao cấp và thương mại Bemes tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, do Công ty Cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 17.1200m2 đất tại Quyết định số 3855/QĐ-UBND ngày 23/8/2011 để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes.
“Thời điểm tháng 12/2023, UBND TP. Hà Nội vẫn chưa phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất của dự án nhưng chủ đầu tư đã xây dựng, bán căn hộ và nộp ngân sách nhà nước tiền sử dụng đất là 67,42 tỷ đồng (đã hạch toán thu ngân sách thành phố)”, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Một dự án khác là Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (ô HH4 và ô VP5) do Công ty Thành Nam – Công ty Hợp Phú làm chủ đầu tư, nay do Công ty Cổ phần Sản xuất XNK Bemes, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đứng tên.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, dự án đã được nhà đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp đã nộp số tiền 398,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất theo kết quả xác định của Sở TNMT từ năm 2016, vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Thành phố. Tuy nhiên, tới nay các hộ dân vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất do dự án chưa được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, còn có Dự án Khu nhà ở Đại Thanh do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. “Thời điểm thanh tra là tháng 12/2023, UBND thành phố chưa phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất của dự án nhưng chủ đầu tư đã triển khai xây dựng, kinh doanh và tạm nộp tiền sử dụng đất vào tài khoản tạm thu của Chi cục Thuế huyện Thanh Trì gần 484 tỷ đồng”, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Tài chính, tới thời điểm thanh tra, các hộ dân vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất do dự án chưa được xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Sử dụng 22 khu đất khi chưa có quyết định giao đất
Đáng chú ý, theo Thanh tra Bộ Tài chính, trên địa bàn TP. Hà Nội còn có 22 khu đất với tổng diện tích 23.072m2, các đơn vị đang sử dụng đất nhưng tới thời điểm thanh tra vẫn chưa có quyết định cho thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, cơ quan thuế đang tạm thu theo đơn giá đất hằng năm của UBND TP. Hà Nội.
Đơn cử như khu đất tại KM 2,5 đường Phùng Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông có diện tích 12.200m2, do Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội sử dụng; khu đất số 15 Quang Trung, Nguyễn Trãi (Hà Đông), diện tích 1.268m2 do Công ty Cổ phần in và Thương mại Hà Tây sử dụng; 6.366m2 đất tại cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông do Công ty Cổ phần 116 – Cienco1 sử dụng;…
Ngoài ra, theo Thanh tra Bộ Tài chính, có 14 khu đất đã có quyết định giao đất và có quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng từ năm 2018 đến 2021, nhưng chưa xác định bổ sung tiền sử dụng đất phải nộp (nếu có) theo quy định.
“Sau khi kết thúc thanh tra, 2 khu đất đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, gồm: Khu hỗn hợp nhà ở - dịch vụ công công văn phòng và Trường học tại số 360 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân và Khu đất 1.060m2 thực hiện Dự án Nhà ở cao tầng để kinh doanh tại ngõ 29 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình”, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Giai đoạn tháng 1/2021 đến cuối năm 2022, Giám đốc Sở TNMT TP. Hà Nội là ông Bùi Duy Cường (SN 1973). Ngày 3/11/2022, ông Cường được phân công giữ chức vụ Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn. Người kế nhiệm Giám đốc Sở TNMT TP. Hà Nội sau đó là ông Nguyễn Huy Cường (sinh năm 1979), Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm. Ngồi “ghế nóng” được gần một năm, ngày 3/1/2024, ông Nguyễn Huy Cường được điều động làm Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ. Giám đốc Sở TNMT TP. Hà Nội hiện nay ông Lê Thanh Nam (sinh năm 1971). Trước khi được điều động, bổ nhiệm, ông Nam là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng. Ông Lê Thanh Nam được đánh giá là cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực quản lý đất đai, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Từ năm 1993-2022, ông Nam công tác tại ngành TNMT của Thủ đô, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng. Trong đó, có thời gian giữ cương vị Phó Giám đốc Sở TNMT. |