Chuyên gia tiết lộ thời điểm bất động sản bước sang chu kỳ tăng giá mới và những khu vực được nhà đầu tư "săn lùng"

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, tới năm 2026, thị trường bất động sản mới bắt đầu có động lực phát triển mới dựa trên nền tảng mới, tức là phát triển bất động sản đồng nhịp với nhu cầu phát triển kinh tế, sử dụng và khai thác, không phải nhu cầu đầu cơ chờ lên giá.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản và những xu hướng mới của Batdongsan.com.vn đã phác thảo những định hình về các xu hướng đầu tư trong năm 2024. Trong đó, kênh đầu tư bất động sản được nhận định vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi có 65% đáp viên có kế hoạch mua bất động sản trong năm 2024. Trong đó, 60% mua với mục đích đầu tư. Chung cư và các loại hình của bất động sản thổ cư là đất nền, nhà riêng, nhà phố được lựa chọn đầu tư nhiều nhất.

Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư trong thời gian qua đã dần ổn định trở lại và sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản. Nhận định về triển vọng năm 2024, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và nền kinh tế thị trường nội địa thuận lợi hơn,…,kịch bản thị trường bất động sản tan băng là khá rõ nhưng sẽ tập trung ở khu vực dân cư đô thị, vùng có thể đầu tư khai thác được. Lúc này, mặt bằng giá sẽ giảm hoặc đi ngang và không có chuyện tăng.

Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng, trong năm 2024, khả năng dòng tiền nhàn rỗi quay lại thị trường bất động sản sẽ không cao. Rất nhiều người ôm đất hiện nay đang phải gồng lãi vay ngân hàng từng ngày. Thị trường sẽ không xuất hiện các nhà đầu tư mới (chưa ôm đất) đổ tiền mua bất động sản giống như một làn sóng trước đây. Số lượng người ôm đất mong muốn thoát hàng ra đang nhiều hơn số lượng người có sẵn tiền để ôm hàng, tức là cầu thấp hơn cung.

“Với khả năng phục hồi của thị trường, ở đây chúng ta cần hiểu là, nơi nào có tiềm năng phục hồi do tích tụ dân cư, khu công nghiệp và khai thác được, thì nơi đó sẽ sớm phục hồi; nơi nào không có tiềm năng phục hồi thì sẽ còn kéo dài sự ảm đạm. Sự phục hồi sẽ tập trung ở đô thị chủ chốt, điển hình như TP.HCM do nhu cầu đầu tư bất động sản, mua nhà đất còn rất lớn và khả năng thanh toán vẫn tốt. Bên cạnh đó, một số nơi, nhà đầu tư đón đầu sự phát triển hạ tầng ở những khu vực trực tiếp hưởng lợi từ cao tốc, là nơi tập trung phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa. Còn đa số những khu vực khác sẽ là trạng thái chờ và quan sát”, TS Đinh Thế Hiển nói.

Vị này cho rằng, thị trường bất động sản đang đi theo con đường điều chỉnh lại những gì chưa tốt trong các năm qua, đặt biệt là giai đoạn 2020 - 2022. Nhà nước sẽ tiếp tục vừa xử lý, điều chỉnh, sửa chữa thị trường bất động sản để bước vào “đường ray” mới.

“Tôi cho rằng tới năm 2026, thị trường bất động sản mới bắt đầu có động lực phát triển mới dựa trên nền tảng mới, tức là phát triển bất động sản đồng nhịp với nhu cầu phát triển kinh tế, sử dụng và khai thác, không phải nhu cầu đầu cơ chờ lên giá”, ông Hiển nói.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng: “Sau một thời gian dài cẩn trọng quan sát từng động thái, diễn biến của thị trường, khách hàng/nhà đầu tư đã bắt đầu thể hiện rõ sự quan tâm trở lại với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sự quan tâm này được thực hiện một cách bài bản, cân nhắc và tính toán hơn. Thay vì quyết định xuống tiền ngay khi vừa tiếp cận, các khách hàng/nhà đầu tư sẵn sàng dành thời gian, chi phí để kiểm tra pháp lý và khảo sát thực địa thật kỹ trước khi quyết định. Điều này cũng phần nào khiến thời gian trung bình để chốt một deal của môi giới bất động sản kéo dài hơn”.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, đã có nhiều hơn các nhà đầu tư bắt đầu hành trình "săn" đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao với mức giá được đánh giá là khá "hời", còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.