Cuộc “so hùng” của khu Tây và khu Đông Hà Nội
Trong một thập kỷ phát triển gần đây, khu Tây Hà Nội luôn giữ ngôi vương về nguồn cung và giao dịch trên thị trường. Điều này không khó hiểu bởi theo quy hoạch phát triển của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thì phía Tây là trung tâm tài chính – kinh tế mới của thủ đô. Hạ tầng kĩ thuật từ giao thông đến xã hội đều theo quy hoạch biến đổi ngoạn mục, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa khu vực.
Theo báo cáo VRES 2020 của TinNhaDatVN.Com, khu Tây Hà Nội là tâm điểm của thị trường bất động sản Hà Nội trong 10 năm qua. Các khu vực Mỹ Đình, Tố Hữu, Lê Văn Lương… đã phủ kín các dự án chung cư. Phát triển tập trung ở 3 quận là Hà Đông, Hoàng Mai, Từ Liêm, khu Tây chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dân số và các dự án bất động sản. Sự gia tăng của dân số của khu vực này bỏ xa các khu vực khác của Hà Nội. Đơn cử, khu vực CBD dân số không tăng, thậm chí giảm 10 năm qua. Hay Cầu Giấy và Thanh xuân mặc dù thuộc trung tâm nhưng đều là những quận có diện tích nhỏ, nên không có tốc độ tăng dân số cao như Hà Đông, Từ Liêm, Hoàng Mai. Các dự án bất động sản cũng nở rộ mạnh ở khu Tây: Hà Đông có 118 dự án, Nam và Bắc Từ Liêm là 185 dự án, Hoàng Mai là 102 dự án.
Bên cạnh đó, các báo cáo theo quý của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong 2 năm gần đây cũng cho thấy bên cạnh sự phát triển của khu Tây. Những năm gần đây, khu Đông Hà Nội với Gia Lâm, Long Biên cũng nổi lên như một đối trọng đáng gờm khi nguồn cung từ chung cư đến các phân khúc liền thổ (biệt thự, nhà liền kề) tăng trưởng mạnh mẽ.
Khu Tây Hà Nội là điểm nóng của thị trường bất động sản trong những năm qua
Sức bật của bất động sản khu Đông là không khó hiểu khi khu vực này cũng được đầu tư mạnh về hạ tầng. Nhiều cây cầu và tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối phía Đông với trung tâm thành phố đã, đang và sẽ hình thành như cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, cầu Tứ Liên, Cầu Vĩnh Tuy 2, Cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Mễ Sở và cầu Ngọc Hồi, đường Ngô Gia Tự, quốc lộ 5 kéo dài… Hạ tầng xã hội cũng có những chuyển biến đáng chú ý với các đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Vincom Ocean Park, các trường đại học quốc tế… Giá trị bất động sản khu vực được kích thích mạnh.
Đâu là điểm nóng mới của tương lai?
Ba năm gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc sau một thời gian phát triển nóng. Do tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2020 thực sự là một nốt giáng trầm lặng trên khuông nhạc thị trường. Theo chu kì vận động, sau giai đoạn suy giảm, thị trường sẽ bước vào thời kì khởi sắc. Vậy khi những thách thức trên được khắc phục, thị trường Hà Nội có thiết lập trật tự mới về điểm nóng bất động sản? Khu vực nào sẽ hấp lực mạnh dòng tiền đầu tư trong thời gian tới?
Theo ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Đất xanh Miền Bắc thì ngay tại thời điểm này, khu Đông và khu Tây đều đang hoạt động khá tốt. Trong tương lai hai khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Khu Đông và khu Tây đều có những lợi thế lớn về hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối đến các vùng công nghiệp, cửa khẩu, cảng lớn. Và đây đều là những khu vực vẫn đang còn nhiều quỹ đất, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển từ hiện trạng đang có và mở rộng thêm cơ hội.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, nhiều dự án tại hai khu vực này đã triển khai nhưng chưa lấp đầy. Do đó, nhà đầu tư nên chú ý đến tiêu chí đầu tư sinh lời bền vững gắn với nhu cầu ở thật.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong tương lai điểm nóng của thị trường sẽ là khu Tây. Những năm qua khu vực này đã hấp lực những tên tuổi lớn trong mảng địa ốc như Vingroup, Sungroup, Geleximco… Khu Tây vẫn đang sở hữu những lợi thế mà không phải khu vực nào cũng có được là quỹ đất rộng lớn, cảnh quan đẹp, hạ tầng kĩ thuật phát triển, mức giá vẫn còn rất tiềm năng… Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của những khu đô thị tích hợp quy mô lớn, các đô thị thông minh, những khu nghỉ dưỡng hiện đại…
Hoan Thư