Bất chấp dịch bệnh, giai đoạn từ năm 2021 đến những tháng đầu năm 2022, sốt đất diễn ra khắp nơi như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước, Đồng Nai… Giá đất tăng chóng mặt. Thị trường xuất hiện nhiều hiện tượng như dàn cảnh tranh nhau chốt cọc đất để làm nóng bất động sản khu vực, tung tin đồn thổi quy hoạch, hiến đất làm đường để phân lô bán nền…
Trước thực trạng trên, các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bình Phước… đã đồng loạt ra văn bản chỉ đạo, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền. Đồng thời, các địa phương công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.
Phía Ngân hàng Nhà nước đã có động thái kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, dự án có tính đầu cơ, lũng đoạn giá.
Còn phía Bộ Tài chính đưa ra lệnh chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, các tỉnh cũng đã ra văn bản siết chặt các trường hợp chuyển nhượng nhà đất, bất động sản mà giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.
Ngoài ra, giá bất động sản đã tăng quá cao khiến nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trong việc xuống tiền đầu tư. Những động thái trên đã tác động đến thị trường bất động tại nhiều địa phương.
Phía Bộ Xây dựng đưa ra nhận định, sau các văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.
Cụ thể, theo số liệu về thị trường bất động sản tháng 5 của một số đơn vị tư vấn cho thấy, mức độ quan tâm tới bất động sản giảm 11% so với cùng kỳ, còn các sản phẩm bất động sản rao bán lại ghi nhận xu hướng gia tăng 14%. Trong các loại hình bất động sản, đất được rao bán nhiều nhất, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, nhà riêng và nhà mặt phố cũng có lượng tin đăng bán tăng 13%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư hay những người đang cầm hàng đăng nhiều hơn để có thể bán sản phẩm của mình.
Những điểm "nóng" bất động sản hạ nhiệt. (Ảnh minh họa).
Hiện, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư “ăn theo” thông tin quy hoạch, hạ tầng và độ “nóng” của thị trường như đang “ngồi trên đống lửa”. Một môi giới tên Thanh (Hà Nội) cho biết, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán với giá ban đầu họ mua và chịu mất tiền lãi vay. Họ cho rằng, thà chấp nhận lỗ như vậy còn hơn không thoát hàng được hàng mà phải chờ 2-3 năm nữa mới ra được hàng. Họ lo sợ với tình cảnh như vậy thì khó có thể gồng gánh khoản lãi vay ngân hàng.
Theo môi giới này, giá bán trên thị trường nhìn chung không có xu hướng giảm, vẫn ở mức cao. Các nhà đầu tư có tài chính bền vững “nằm im” theo dõi diễn biến của thị trường. Còn những trường hợp nhà đầu tư rao bán cắt lỗ thời điểm này là những nhà đầu tư theo đám đông, ít kinh nghiệm và gặp bài toán về dòng tiền, cần cơ cấu lại danh mục.
Ông Trần Thế Anh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi chia sẻ với báo chí, những động thái như kiểm soát chặt hơn dòng vốn vào thị trường bất động sản, siết chặt hơn quy hoạch dự án, phân lô tách thửa đất hay mạnh tay áp thuế chuyển nhượng bất động sản… cũng khiến thị trường địa ốc trầm lắng hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng ở đây giống như sự cố mang tính chất cục bộ, nó ảnh hưởng đến một số nhà đầu tư ngắn hạn, đầu tư lướt sóng. Còn với nhà đầu tư thực thụ có dòng tiền đầu tư dài hạn ít bị ảnh hưởng.
#/nha-dau-tu-co-nen-ban-bat-dong-san-giua-vong-xoay-giam-nhiet-cua-thi-truong-2022062011335714.chn