Đón “sóng” Vành đai 4, nhà đầu tư bất động sản cần lưu ý gì?

Trước thông tin mới về chủ trương đầu tư tuyến đường Vành đai 4, nhiều nhà đầu tư đã “tất bật” đi săn đất chờ đón sóng hạ tầng. Chuyên gia cho rằng, trước khi xuống tiền nhà đầu tư cần cân nhắc tới dư địa tăng giá và tiến độ triển khai.

Giá đất xung quanh đã lên tới 150 triệu đồng/m2

Mới đây, thông tin về việc Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô đã khiến giới đầu tư địa ốc lại đứng ngồi không yên. Trong tay hơn 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, anh Phú (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tức tốc về những khu vực liên quan tới quy hoạch đường Vành đai 4 để tìm cơ hội đầu tư.

“Khảo giá ở những khu vực Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, trong một năm trở lại đây mức giá đã tăng khá nhiều, đa phần đều tăng từ 50% trở lên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức giá thông tin ban đầu, nếu đến khi dự án thực sự triển khai có thể tiếp tục tăng giá thêm nữa, vấn đề ở đây là cần nhiều thời gian để chờ đợi”, anh Phú phân tích.

Sau khi “cân đo đong đếm”, anh Phú đã xuống tiền mua mảnh đất tại Mê Linh có diện tích 95m2, với giá 2,5 tỷ đồng, tương đương hơn 26 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Trường, môi giới bất động sản tại Hoài Đức chia sẻ, ngay khi thông tin dự án đường Vành đai 4 thông qua, tại địa bàn Hoài Đức đã có rất nhiều nhà đầu tư ở các quận nội thành về địa phương khảo giá để đầu tư. Anh Trường cũng nắm trong tay tới 3 mảnh đất nền, đã chốt bán được 2 mảnh, lãi gấp 2 - 3 lần.

Đón “sóng” Vành đai 4, nhà đầu tư bất động sản cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

"Trên địa bàn huyện Hoài Đức, từ khi có thông tin tuyến đường Vành đai 4 sẽ đi qua khoảng giữa chùa Diên Phúc và đền Giẻ Sen, mức giá tại đây dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2. Tăng từ 10 - 20 triệu đồng so với hồi đầu năm", anh Trường nói.

Theo khảo sát, tại một số khu vực liên quan tới đường vành đai 4, giá đất đã có biến động. Tại huyện Đan Phượng, thị trường nhà đất ở nhiều xã nhận được sự quan tâm lớn. Lượng rao bán nhà đất tăng mạnh, đặc biệt là khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện và thị trấn Phùng. Theo đó, giá đất ghi nhận tại khu trục đường lớn khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Phùng có giá khoảng 130 - 140 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 - 15%.

Còn tại khu vực huyện Hoài Đức, ghi nhận tại các xã như Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên, Song Phương giá đất có nhích lên, tăng thêm khoảng 10 - 15 triệu đồng/m2 so với năm ngoái. Theo đó, giá đất trung bình tại huyện khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm có giá khoảng 130 - 150 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì trước khi “xuống tiền”?

Trước hiện tượng giá đất tăng "nóng", các chuyên gia bất động sản cảnh báo, dù tuyến đường vành đai 4  vùng Thủ đô đi qua các địa phương sẽ làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản, song tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới… Do đó, khi bỏ tiền ở những khu vực này nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị, đặc biệt là thời gian chờ dự án được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng này phải mang tính dài hạn.

Các thông tin về việc tăng nóng, sốt đất chỉ là chiêu thức của các “đội lái” để tạo sóng thị trường. Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường, nắm rõ về quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn.

Đặc biệt, nhà đầu tư phải nắm rõ hai yếu tố: Thứ nhất là dư địa tăng giá; Thứ hai là tiến độ triển khai hạ tầng. 

Đón “sóng” Vành đai 4, nhà đầu tư bất động sản cần lưu ý gì? - Ảnh 2.

“Một số khu vực vùng Vành đai 4 đi qua, cách đây 1 năm nhiều nhà đầu tư nắm bắt được thông tin đã nhanh chóng ôm gom hàng, đẩy giá bất động sản tại đây lên cao, từ đó thiết lập một mặt bằng giá mới. Vì vậy, để nói về dư địa tăng giá thì tại những khu vực này vẫn còn nhưng sẽ không cao”, ông Đính nêu. 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, với những khu vực giá bất động sản ven tuyến đường Vành đai 4 đã tăng khá cao, gần tiệm cận so với mức giá bất động sản cao nhất của quận, huyện đó thì dư địa tăng giá không còn nhiều.

“Chưa kể, với tuyến đường Vành đai 4 là đường chạy trên cao nên tiềm năng chỉ có ở các điểm lên, xuống khi diện tích ven đường có thể đưa vào kinh doanh dịch vụ. Không phải tất cả mọi khu vực có tuyến đường chạy qua đều có thể gia tăng giá trị bất động sản”, ông Đính cho biết. 

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng chia sẻ: “Hạ tầng giao thông luôn đóng một quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ở đâu hạ tầng giao thông tốt thì kinh tế phát triển, đô thị phát triển, tất yếu bất động sản cũng được hưởng lợi. Từ lâu, các cơn sốt đất xảy ra không chỉ ở Hà Nội, TP. HCM hay các địa phương đều cho thấy rằng, thực tế giá đất luôn tăng khi hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng”.

Tuy nhiên ông Nguyễn Thế Điệp cũng cảnh báo, nhiều nhà đầu tư lúc này sẽ nhận định các thông tin quy hoạch để đón đầu sang đầu tư. Những nhà đầu tư có tài chính lớn sẽ nắm chắc phần thắng. Ngược lại, rất nhiều người tuy đi trước đón đầu nhưng nếu dùng "đòn bẩy" ngân hàng và vội vàng khi mua bán đất dự án rất dễ nhận "trái đắng".

#/don-song-vanh-dai-4-nha-dau-tu-bat-dong-san-can-luu-y-gi-20220620194816612.chn