Nguồn vốn FDI được coi là cánh cửa sáng của thị trường bất động sản Việt Nam vốn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm trầm trọng nguồn vốn. Tuy nhiên, dòng vốn này vẫn đối mặt nhiều thách thức khi tìm đường vào Việt Nam.
Vai Trò Quan Trọng Của Nguồn Vốn FDI
Theo tìm hiểu của TinNhaDatVN.Com, nhiều năm liên tiếp, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất động sản luôn là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút nguồn vốn FDI. Vị trí này vẫn được duy trì đến hết quý 1/2023. Nhưng kể từ tháng 4/2023, bất động sản đã đánh mất vị trí thứ 2 trong hút vốn đầu tư nước ngoài, tụt xuống vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (gần 3 tỷ USD).
Những khó khăn mà thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt cũng được phản ánh phần nào vào nguồn vồn FDI. Trong bối cảnh, nguồn vốn từ tín dụng, trái phiếu, chứng khoán đã được cải thiện tích cực so với quý đầu năm và năm 2022, thì sự sụt giảm vốn FDI trong bất động sản là một điều đáng lưu tâm.
Đánh giá về vai trò của nguồn vốn FDI đối với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho viết, vốn FDI không chỉ có vai trò là nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung quý giá cho lĩnh vực bất động sản mà còn tạo nên những cơ hội mới, giá trị mới cho các doanh nghiệp bất động sản. Bởi lẽ, dòng vốn FDI gắn với khối ngoại, khi các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận FDI đồng nghĩa với việc chúng ta có cơ hội tiếp nhận những kinh nghiệm mới, những xu hướng mới, những giá trị văn minh trong xây dựng, phát triển dự án bất động sản. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn học được kỹ năng về năng lực quản trị cũng như nâng cao tính minh bạch trong thông tin. Bên cạnh đó, vốn FDI còn mang đến sự dịch chuyển nguồn nhân lực đến Việt Nam, kéo theo sự phát triển của bất động sản văn phòng, nhà ở khu công nghiệp, bất động sản cao cấp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đang đóng vai trò quan trọng đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh của nhiều loại hình bất động sản mới lạ và có sự nâng cao trong tiêu chuẩn xây dựng nhiều dự án ở tiện ích, dịch vụ. Không thể không nhắc đến sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp, chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe… bên cạnh loại hình truyền thống như bất động sản nhà ở.
Giải Pháp Nào Thu Hút Nguồn Vốn FDI?
Trước vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI và sự suy giảm của nguồn vốn này trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh các giải pháp để hút vốn FDI đổ vào Việt Nam, trong đó có bất động sản.
Ở góc độ giải pháp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện. Đặc biệt là loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, thành phố thông minh, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe… cần được xem xét và hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, trong thu hút vốn FDI cần có sự chủ động chọn lọc. Các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam sẽ là những tiêu chí quan trọng trong lựa chọn thu hút vốn FDI.
Thứ ba, Nhà nước cần khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.
Nguyễn Nam
TỪ KHÓA: nguồn vốn FDI