Đường Rừng Sác được biết đến là một trong những con đường xuyên rừng ngập mặn đẹp nhất Việt Nam. Trong tương lai, nó sẽ trở thành đường huyết mạch để kết nối với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Huyện đảo Cần Giờ vừa là lá phổi xanh vừa là khu vực duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí giáp biển. Và khi băng qua quãng đường gần 40 km từ trung tâm thành phố ra đến biển, người dân sẽ có dịp được chiêm ngưỡng một trong những con đường xuyên rừng ngập mặn đẹp nhất Việt Nam.
Để tới được đường Rừng Sác và ra biển Cần Giờ, đầu tiên du khách cần băng qua địa phận sông Soài Rạp bằng phà Bình Khánh. Đây cũng là con đường độc đạo từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Giờ khi mà những dự án kết nối như cầu Cần Giờ hay cầu Bình Khánh chưa thành hình.
Từ đây, ta có thể chạy thẳng một mạch xuyên qua đường Rừng Sác. Đây là con đường huyết mạch dẫn vào trung tâm huyện Cần Giờ, dài 36,5 km, rộng từ 30-120 m, có 6 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng (thời điểm năm 2004).
Con đường được đặt theo tên khu rừng mà nó xuyên qua. Rừng Sác còn có tên gọi khác là công viên Vàm Sát. Khu rừng có diện tích 757,4 km2, gấp gần 100 lần diện tích quận 1. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh" ở cửa ngõ Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh, là địa điểm lý tưởng cho các chuyến du lịch sinh thái tìm về với thiên nhiên, tránh xa ồn ào nơi phố thị.
Địa hình Cần Giờ vốn bị chia cắt bởi nhiều sông rạch. Người dân đi lại rất khó khăn và để đến được biển cần ít nhất vài chuyến phà. Từ năm 2011, đường Rừng Sác được mở rộng, nối liền bởi 8 cây cầu. Việc đi lại thuận tiện hơn hẳn.
Đi ngang qua Rừng Sác, ta còn có cơ hội gặp gỡ những “cư dân thổ cư” trong khu rừng này là những chú khỉ thường xuyên xuất hiện trên đường. Nhờ hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và điển hình của vùng sinh thái ngập mặn, tổ chức UNESCO đã công nhận nơi đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Sau 13 năm sử dụng, con đường này vẫn rất khang trang. Màu xanh của rừng và sắc hồng, cam, trắng của hoa giấy phủ khắp chặng đường hàng chục cây số.
Cứ cách khoảng vài trăm mét sẽ có một trạm dừng xe buýt số 90. Chuyến xe di chuyển từ phà Bình Khánh đến bờ biển Cần Giờ luôn có mặt phục vụ người dân với tiền cước 30.000 đồng/chuyến.
Con đường vẫn giữ được tình trạng tốt sau hơn một thập kỷ là nhờ thường xuyên được các nhân viên môi trường đô thị bảo dưỡng, chăm sóc. Tuyến đường này cũng có ít xe tải trọng lớn qua lại nên chất lượng mặt đường gần như được giữ nguyên.
Hai bên đường, người dân huyện Cần Giờ phát triển mô hình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối để cải thiện kinh tế. Ảnh: Phùng Tiên.
Ở cuối con đường Rừng Sác chính là bờ biển Cần Giờ với vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Trong tương lai, nơi đây sẽ được Vingroup phát triển thành siêu đô thị lấn biển trị giá 217.00 tỷ đồng, đưa vị thế du lịch Cần Giờ lên tầm cao mới.
Dự án rộng 28,7 km2 (gấp gần 4 lần diện tích quận 1) dự kiến sẽ được cấp phép xây dựng vào năm 2025. Khi hoàn thành dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh.