Được biết, hiện nhiều nhà đầu tư "ruột" của anh B nhờ anh tìm các nền đất giảm giá ở thời điểm này để mua vào. Tuy nhiên, anh B tìm kiếm cũng như nhắn tin hỏi thăm các nhà đầu tư khác xem có bán ra không, nhưng gần như không ai chịu bán lúc này. Thậm chí, có một số nhà đầu tư kẹt tiền để chi phí cho việc mặt bằng kinh doanh, tiền lương nhân viên nhưng cũng không bán dưới giá vốn.
Theo anh B, hầu hết các nhà đầu tư nắm giữ BĐS đều đang tránh dịch và chờ đợi thị trường tốt lên thay vì vội bán tháo ra. Trong số đó, không ít nhà đầu tư có sử dụng vốn vay ngân hàng nhưng gần như họ cũng đang cố để "gồng" và chờ thêm diễn biến của dịch bệnh chứ chưa chịu bán dưới giá vốn mua vào. "Dĩ nhiên, cũng có một số ít nhà đầu tư không chuyên vay ngân hàng quá nhiều để đầu tư thì chấp nhận cắt lỗ để thu dòng tiền nhưng số này rất ít", anh B cho biết.
Anh B cho hay, hiện khá nhiều nhà tư "ruột" của anh, có dòng tiền sẵn muốn tìm BĐS bán tháo, giảm giá để mua vào, nhưng không dễ. Họ bắt đầu nhờ anh tìm hàng từ tháng 6/2021, nhưng đến nay vẫn khó mua. Có nhiều người tiếp tục canh me tầm 2-3 tháng nếu nhà đầu tư nào hết sức "gồng" thì sẽ canh gom vào. Nhiều người kì vọng đến khoảng tháng 10, tháng 11 sẽ có nhiều BĐS giảm giá để mua vào, nhưng đó cũng chỉ là dự đoán vì không rõ tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào.
Ảnh: Minh hoạ
"Thời gian qua, dù giãn cách, vẫn xuất hiện một số giao dịch đặt chỗ của những nhà đầu tư sẵn dòng tiền. Nếu giá chỉ cần giảm khoảng 5-10% so với thời điểm trước Tết nguyên đán là họ mua ngay. Nhưng nhìn chung rất ít, vì hiện đa số nền đất tại khu Đông Tp.HCM đều đang giữ giá chứ không giảm", anh B cho hay.
Nam môi giới này cho biết, những nhà đầu tư có kinh nghiệm họ cân đối rất kỹ dòng tiền, hầu hết đều quyết định nhanh giữa việc bỏ tiền vào đất và gửi ngân hàng. Khi có sẵn tiền nhà rỗi, gặp lúc thị trường khó khăn là cơ hội để những nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư. Nếu có rủi ro là bán ra khó trong vòng 6 tháng đến 1 năm (đầu tư nhắn hạn) thì xem ra đó cũng là khoản đầu tư lâu dài, họ vẫn có lời, vì đất đai rất ít xuống giá, đó cũng là tiền nhà rỗi nên không đáng lo.
Vừa là môi giới, vừa là nhà đầu tư, nên tranh thủ tìm "hàng thơm" cho khách hàng, anh B cũng muốn nếu có sản phẩm giá nhiều, anh sẽ mua để đầu tư khi dịch được kiểm soát. Đây cũng là cách môi giới này kiếm tiền trong thời gian gắn bó với BĐS.
Cùng tâm trạng với anh B, anh Q, một môi giới tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng chưa thể tìm được hàng giảm giá cho nhà đầu tư của mình suốt 3 tháng nay. Theo anh Q, khá nhiều nhà đầu tư có sẵn tiềm đi gom đất mùa dịch nhưng đợt dịch này rất khác các đợt trước đó, tâm lý giữ hàng của nhà đầu tư gần như vững hơn, nên gần như không có hàng cắt lỗ, có giảm giá thì giảm nhẹ, không đáng kể.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, trải qua nhiều đợt dịch, các nhà đầu tư đã có phương án chuẩn bị cho những rủi ro của thị trường. Cho nên dù dù dịch bệnh kéo dài nhưng thị trường vẫn chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, cắt lỗ, có chăng ở sản phẩm giá trên 20 tỉ có sự hạ kì vọng lãi nhẹ từ 5-10%. Ông Quang cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang "gồng" được khoảng 3-4 tháng tới nữa, nên họ vẫn cố để chờ thị trường phục hồi sau dịch thay vì bán lỗ.