Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện đã như một cú giáng mạnh lên thị trường bất động sản. Nhiều khu vực giãn cách kéo dài đã khiến giao dịch bất động sản dường như tê liệt. Trong bối cảnh đó, thị trường đã xuất hiện nhiều luồng tâm lý khác nhau, trong khi môi giới, doanh nghiệp bất động sản lạc quan thì không ít nhà đầu tư thận trọng, thậm chí bi quan.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp bất động sản ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group cho rằng thị trường chỉ trong giai đoạn tĩnh lại do những tác động từ dịch bệnh. Sau dịch thị trường sẽ trở lại bình thường, thậm chí có những khu vực bị kìm nén sau một thời gian dài bởi dịch bệnh sẽ có cơ hội bật dậy mạnh mẽ.
Cùng tâm lý lạc quan như ông tuyển, nhiều môi giới vẫn tìm cách tiếp cận khách hàng ngay trong giai đoạn giãn cách. Cùng với đó, họ tranh thủ tìm nguồn hàng tốt cho nhà đầu tư, thường xuyên cập nhật tình hình thị trường để nhà đầu tư giữ vững tâm lý trong dịch bệnh. Chính vì thế, dù thị trường chung "đóng băng" nhưng không ít sale đã chốt được cọc online, chờ hết dịch tiến hành làm thủ tục cho khách.
Trái ngược với sự lạc quan của môi giới và các doanh nghiệp bất động sản, nhiều nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Hầu hết nhà đầu tư đều tạm thời lập quãng nghỉ để nghe ngóng thêm thông tin. Nhiều nhà đầu tư đánh giá, thị trường sau dịch sẽ không có những cơn sốt bất ngờ như hồi đầu năm mà sẽ giao dịch thận trọng hơn. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phải mất khoảng 6 tháng đến 1 năm nữa để phục hồi.
Đặc biệt, trong gian đoạn giãn cách không ít nhà đầu tư xuất hiện tâm lý bi quan. Họ là những nhà đầu tư đã dồn hết tiền vào bất động sản và bị mắc kẹt khi dịch bệnh xuất hiện. Trong khi nợ ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng, thị trường bất động, nhà đầu tư muốn có giao dịch phải chấp nhận cắt lỗ đã khiến không ít nhà đầu tư rơi vào tình trạng bế tắc, rút không được mà chờ thì không biết khi nào dịch mới kết thúc.
Thực tế, đây là lần đầu tiên sau 1,5 năm dịch Covid-19 xuất hiện thị trường bất động sản Việt Nam mới trải qua tình trạng ảnh hưởng lâu và nặng nề như hiện nay bởi 3 lần trước làn sóng dịch bệnh đều nhanh chóng được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu nhìn trên thế giới thị trường bất động sản nhiều quốc gia đã trải qua những đợt bùng dịch lớn, căng thẳng không kém nhưng ngay sau khi dịch bệnh có chiều hướng giảm làn sóng tăng giá bất động sản lại sôi sục.
Thực tế cho thấy, dù dịch bệnh phức tạp nhưng giá bất động sản toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006, với mức tăng hàng năm là 2 con số. Cụ thể, tại Mỹ nhu cầu bất động sản tăng cao đang đẩy giá nhà trung bình tại Mỹ lên mức cao kỷ lục trong tháng 6.
Theo thống kê từ Hiệp hội bất động sản Mỹ doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ tháng 6/2021 tăng 1,4% lên 5,86 triệu căn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá nhà trung bình tại Mỹ trong tháng 6/2021 lập kỷ lục 363.000USD/căn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế tại tổ chức Navy Federal Credit Union, ông Robert Frick, nhận xét khi mà có thêm nhà được bán ra thị trường, người mua nhanh chóng mua hết. Ngày một nhiều căn nhà tại Mỹ được bán trên giá niêm yết và nhận được nhiều lời chào mua. Thông thường số ngày chờ để bán được của một căn nhà tại Mỹ trong tháng 6/2021 là 17 ngày, mức thấp kỷ lục chưa từng có.
Cũng như Mỹ, giá nhà đất tại Australia cũng ghi nhận mức tăng đột biến. Theo dữ liệu trên trang bất động sản PropertyGuru trong 7 tháng đầu năm nay, giá bất động sản ở Sydney tăng ở mức khiêm tốn 3% ở các căn hộ 1-2 phòng ngủ nhưng tăng 8% ở các căn hộ 3 phòng ngủ. Tuy nhiên, giá nhà ở lại tăng mạnh hơn nhiều với mức 15% đối với nhà có 2 phòng ngủ và 27% đối với nhà có 4 phòng ngủ. Điều thú vị là những căn hộ có 4 phòng ngủ có mức tăng giá lớn nhất khi tăng 37% so với cùng kỳ hàng năm.
Ông Joe Recep - Nhân viên môi giới bất động sản tại NG Farah Real Estate cho biết: "Tôi đã ở trong ngành này 25 năm và chưa từng chứng kiến điều gì tương tự. Chúng tôi nhận được 30.000 yêu cầu xem nhà chỉ trong 4 tuần từ UAE, Dubai, Mỹ, New Zealand và tất cả các quốc gia châu Á".
Theo nhận định của các chuyên gia, có một số nguyên nhân chủ yếu đang hâm nóng thị trường nhà ở thế giới đó là các khoản vay thế chấp với lãi suất thấp, mong muốn của người dân có thêm không gian sống sau đại dịch và quan trọng là nỗi sợ hãi rằng nếu không mua bây giờ sẽ không bao giờ có được nhà.