Công trình thứ nhất là đường Hựu Thạnh - Tân Bửu (Bến Lức) với chiều dài 12,8km. Đường rộng 102m, gồm 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe hỗn hợp. Điểm đầu giao với đường kết nối Đường tỉnh 830 đến đường Hải Sơn - Tân Đô. Điểm cuối là cầu Tân Bửu.
Thứ hai là đường Lương Hòa - Bình Chánh dài 6,2km, bắt đầu từ bờ sông Vàm Cỏ Đông (Bến Lức) đến ranh TP.HCM. Công trình có quy mô đường đô thị, nền đường rộng 60m.
Vốn đầu tư 2 công trình này được huy động từ doanh nghiệp.
Việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối Long An - TP.HCM sẽ được triển khai từ quý 1 năm nay
Thứ ba là đường tỉnh 826E (Cần Giuộc), đoạn từ điểm giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc, dài 1,6km với quy mô 6 làn xe, rộng 40m.
Thứ tư là đường trục động lực Đức Hòa dài khoảng 22km, rộng 33m, gồm 4 làn xe.
Thứ năm là đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi (Cần Giuộc) đến đường tỉnh 826E, dài khoảng 2km, nền đường rộng 40m.
Thứ sáu là đường Tân Tập - Long Hậu (Cần Giuộc) đoạn từ đường Vành đai 4 đến ĐT830 dài 4,6km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng.
Thứ bảy là nâng cấp, mở rộng nút giao đường Hùng Vương - quốc lộ 62 (TP. Tân An).
Thứ tám là đường tỉnh 824, đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu Kênh Ranh (Đức Hòa), dài gần 2,2km, rộng 25m; mở rộng đường song hành hai bên thêm 5m, mặt đường rộng 15m, 4 làn xe.
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, những công trình này sẽ mang đến bộ mặt mới hiện đại hơn, tăng cường tính kết nối giữa các huyện vùng kinh tế trọng điểm với cảng quốc tế Long An và TP.HCM, giúp cởi trói cho kinh tế tỉnh Long An. Trong tổng kinh phí triển khai 11 tuyến đường sẽ có khoảng 61,2% lấy từ ngân sách nhà nước (khoảng 18.308 tỷ đồng) và 38,8% vốn huy động từ các thành phần kinh tế (khoảng 11.620 tỷ đồng).
3 công trình khác là đường tỉnh 830E, đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830 (đường Vành đai 4); hoàn thành đường Vành đai TP. Tân An dài hơn 23km, rộng 33m; đường tỉnh 827E, đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông (trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang).
Khánh Trang