Mặt bằng phố cổ Hà Nội ngậm ngùi bỏ không
Dạo quanh các tuyến phố vốn được biết đến là khu phố đắt đỏ nhất Hà Nội như phố Huế, Hàng Bông, Hàng Da, Thợ Nhuộm,.. không khó để bắt gặp những cửa hàng treo biển thanh lý trả cửa hàng và đóng cửa cho thuê.
Mặt hàng quần áo, thời trang vốn là thị trường kinh doanh nở rộ những năm 2018-2019 với số lượng cửa hàng mở ra siêu lớn và siêu nhanh, nay lại là ngành chủ yếu trả mặt bằng.
Chị Thu Hằng, chủ một shop quần áo trên phố Hàng Bông cho biết: “Chị thuê cửa hàng ở đây được mấy năm thì dịch Covid-19. Chị vẫn cố gắng cầm cự, nhưng từ đầu năm 2023 đến giờ ế ẩm quá. Người ta chuyển sang mua online nhiều khiến những chủ shop như chị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.”
Tình hình này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán vài tháng do kinh doanh ế ẩm kéo dài, các chủ cửa hàng không còn gồng gánh nổi chi phí thuê mặt bằng nên buộc phải dừng hoạt động.
Ngoài thời trang và quần áo, nhiều ngành hàng khác cũng không tránh khỏi tình cảnh khó khăn này.
Ông Tân (63 tuổi) sinh sống trên phố Hàng Bông cho biết: “Kinh doanh trên con phố này hạ nhiệt nhiều, giá mặt bằng ở đây cũng không còn sốt như mấy năm trước. Như quán cà phê bên cạnh đây cũng mới đổi chủ hồi trước Tết vì kinh doanh thua lỗ.
Anh Hòa, chủ một quán cà phê trên phố Cửa Nam chia sẻ: “Từ hai năm nay quán cà phê của anh thưa khách hơn hẳn sau dịch Covid-19 nên anh đã phải chia đôi mặt bằng. Ban ngày anh bán cà phê còn buổi tối là ban nhạc acoustic để phần nào giảm thiểu chi phí”.
Cũng theo anh, khi kinh tế khó khăn nên người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Mặt hàng của anh không phải thiết yếu nên khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Nhiều người bạn mở quán của anh trên các con phố lân cận cũng đều chung cảnh ngộ. Trong năm rồi đã có rất nhiều người không trụ được phải sang nhượng lại.
Đặc biệt là những năm gần đây, sự chuyển dịch từ sở thích và xu hướng mua sắm của người dân ngày một rõ ràng. Kể từ sau dịch bệnh covid-19, người dân ưa chuộng mua sắm trực tuyến và sự kích cầu của các sàn thương mại điện tử đã làm giảm phần lớn thị trường bán lẻ. Trong đó phân khúc thời trang, mĩ phẩm, giải trí chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo chị Thu Hằng, một người kinh doanh quần áo cho biết: “Trên con phố hàng Bông này đã đóng cửa cả chục cửa hàng. Hiện giờ người ta đặt trên mạng còn rẻ hơn mua tại cửa hàng rất nhiều, tội gì phải thuê mặt bằng mấy chục triệu trong khi nếu chuyển sang bán online, chỉ cần thuê trong ngõ vừa rẻ mà thu nhập lại tốt hơn”.
Mặc dù vậy, nhiều chủ nhà vẫn giữ giá thuê và tăng giá theo kì hạn, khiến cho nhiều chủ kinh doanh càng thêm khó khăn dẫn đến buộc phải trả mặt bằng do không gồng gánh nổi.
Nhiều mặt bằng phố chấp nhận bỏ không chứ nhất định không chịu xuống giá cũng là một trong những nguyên nhân lớn.
Mặt bằng hạ giá vẫn ế
Tham khảo giá cho thuê mặt bằng trên các sàn mô giới bất động sản, được biết một quán cà phê diện tích chỉ 20m2 trên phố Cửa Nam có giá lên tới 20 triệu đồng/tháng. Nhà mặt phố Hàng Cót điện tích 23m2, 5 tầng, mặt tiền 3,2m có giá 32 triệu đồng. Hay nhà 3 tầng mặt phố Tràng Thi, kinh doanh tốt 18 m2/tầng cũng chỉ 20 triệu/tháng... thực tế mức giá này đã được giảm hơn rất nhiều so với đầu năm 2023.
Ông Quốc, một người dân sinh sống tại phố Thợ Nhuộm có nhà cho thuê cho biết: “Trước đây tầng 1 diện tích 15m2 ông cho một cửa hàng bán giày dép thuê có giá phải 15 triệu đồng/tháng mà giờ phải giảm còn một nửa người ta mới chịu ở lại”.
Liên hệ với một chủ nhà treo biển cho thuê trên phố Hàng Gai, chủ nhà sẵn sàng giảm 10% cho người thuê ngay trong tháng 2 nhưng mặt bằng này vẫn bỏ trống nhiều tháng nay.
Phân khúc bất động sản thương mại suy yếu
Nhận định về tình trạng cho thuê mặt bằng hiện nay tại thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “Điều này ảnh hưởng nặng nề đền thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc bất động sản thương mại. Làm cho niềm tin của các nhà đầu tư bị giảm sút. Do vậy các phân khúc thương mại khác như shophouse sẽ bị suy yếu”.
Theo ông Đính: “Để khắc phục tình trạng này phải thay đổi rất nhiều thứ. Trước tiên là xu hướng nhà phố cần hướng đến mục đích thương mại là chính và phục vụ cho các hoạt động du lịch nhiều hơn.
Các doanh nghiệp và chủ cửa hàng cần phải nghiên cứu và thích nghi với thị trường hiện nay đó là ứng dụng về công nghệ trong bán hàng, cùng với đó là các vấn đề biến động khác của thị trường. Đặc biệt là phải cân đối lại giá cả sao cho hợp lý hơn nữa”.