Làn sóng hạ lãi suất cho vay được dự báo sẽ lên cao trong thời gian tới khi từ 1/9/2023, khối ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như vay mua nhà, mua ô tô.
Người Đi Vay Kỳ Vọng Việc Hạ Lãi Suất Diễn Ra Sớm
, theo quy định hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Tuy nhiên, theo quy định được nêu ra tại Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 39/2016, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, thì ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe.
Cụ thể, nếu một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà đất tại ngân hàng A nhưng khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy mà lãi suất cho vay thấp hơn thì có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay tại ngân hàng A.
Quy định mới này khiến người vay tiêu dùng, trong đó có vay mua nhà rất quan tâm vì hiện nay nhiều người đang mắc kẹt với các khoản vay mua nhà lãi cao, có trường hợp lên đến 14 – 15%/năm.
Vẫn đang phải trả góp tiền vay mua nhà từng tháng cho ngân hàng, chị Huyền Trâm (quận 11, TP.HCM) cho biết do khoản vay đã hết thời gian ưu đãi nên từ cuối năm 2022, gia đình chị phải gánh mức lãi suất cho vay quá cao, lên tới 14%/năm. Trong khi đó, nếu có tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay mua nhà của một số ngân hàng quốc doanh chỉ có 8.5 – 9%/năm, không có tài sản đảm bảo thì 11 – 12.5%/năm. Do đó, chị Trâm kỳ vọng nếu được phép vay của ngân hàng khác với lãi suất thấp để tất toán khoản vay cũ, gia đình chị sẽ nhẹ gánh tài chính hơn.
Tương tự, anh Xưng (Bình Tân, TP.HCM) cũng cho biết, hiện tại khoản vay mua nhà của anh đang chịu mức lãi suất là 13.5%/năm. Anh hi vọng là từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ hạ lãi suất vay do lãi huy động tại ngân hàng đang ở mức thấp (6.8%). Anh cho biết nếu tính theo chênh lệch giữa lãi huy động và lãi vay, thì mức lãi suất phù hợp lúc này chỉ nên ở tầm 10 -11%.
Nếu ngân hàng không hạ lãi suất và người vay được phép vay ngân hàng khác để trả như thông tư 06, anh sẽ chuyển sang vay của ngân hàng có lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, anh băn khoăn là không biết thủ tục vay ngân hàng khác sẽ như thế nào nếu tài sản duy nhất của anh đang được thế chấp cho ngân hàng hiện tại, giấy tờ ngân hàng cũng đang giữ.
Ngân Hàng Có Chạy Đua Hạ Lãi Suất Vay?
Theo giới chuyên môn, việc kỳ vọng các ngân hàng sẽ hạ lãi suất để tham gia đường đua hút người đi vay có thể diễn ra sau khi Thông tư 06 có hiệu lực. Trong thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đã có sự điều chỉnh giảm nhiều nhưng vẫn còn đang khá cao. Vì vậy, nhu cầu tất yếu của khách hàng là được vay từ ngân hàng này và đảo nợ sang ngân hàng khác với mức lãi suất thấp hơn.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định, bản chất của quy định này là mua bán nợ nên có thể tới đây sẽ có sự chuyển dịch khách hàng giữa các ngân hàng thương mại cổ phần với ngân hàng lớn có vốn của Nhà nước. Ở các ngân hàng có vốn nhà nước, do huy động được lãi suất thấp nên lãi suất đầu ra cạnh tranh hơn.
Việc này còn tác động tích cực đến thị trường tài chính. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng với nhau. Các ngân hàng phải cân đối làm sao để giữ được khách hàng của mình thông qua việc đưa ra một lãi suất phù hợp. Nếu tổ chức tín dụng nào cạnh tranh tốt, các điều kiện tín dụng thuận lợi thì có thể người vay vốn sẽ tới đó nhiều hơn.
Thông tư 06 sắp có hiệu lực đã giúp giải quyết nhiều vấn đề cho thị trường BĐS lúc này. Nếu quy định này được áp dụng rộng rãi sẽ dẫn đến cuộc đua hạ lãi suất cho vay mua nhà giữa các ngân hàng để giữ và thu hút thêm khách hàng. Ngân hàng nào cũng muốn có khách vay. Nếu là khách hàng tốt, ngân hàng đang cho vay sẽ tìm mọi cách để giữ chân khách hàng, kể cả hạ lãi suất vay. Vì vậy bên hưởng lợi sẽ là người đi vay.
Tuy nhiên, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác là không đơn giản.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, khách hàng phải hoàn tất thủ tục vay của ngân hàng mới, rồi tất toán khoản vay với ngân hàng đang cho vay. Thêm nữa, người vay phải có tài sản khác để thế chấp, tức là phải có tối thiểu hai tài sản mới có thể làm được việc này. Trong thực tế, theo ghi nhận hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn đang trong quá trình xem xét chứ chưa triển khai.
Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, các ngân hàng sẽ lo ngại trường hợp ngân hàng cũ và khách hàng cố tình đẩy các trường hợp nợ xấu, không còn khả năng chi trả sang ngân hàng mới để vay với hạn mức cao hơn nhằm kéo dài khoản nợ, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngân hàng tiếp nhận sau này. Vì vậy, việc xét duyệt cho vay có thể gắt gao và thận trọng hơn.
Ngoài ra, trong tình trạng nhiều ngân hàng vẫn còn vướng quy định về room tín dụng, không dễ dàng để cho vay mua nhà, nên ngân hàng có thể sẽ lựa chọn khách hàng để cho vay chặt chẽ hơn. Khách hàng muốn hưởng lợi từ chính sách mới cũng cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí.
Bên cạnh đó, cũng rất cần làm rõ điều kiện để người vay có thể tiếp cận vốn theo hình thức này cũng như cần có hình thức khống chế phí phạt trả nợ trước hạn tại các ngân hàng. Vì không loại trừ trường hợp các ngân hàng sẽ nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển dịch sang ngân hàng khác.
Nội dung này của Thông tư 06 được đánh giá sẽ giúp các quy định cho vay hiện nay trở nên rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để thị trường thật sự tốt lên, quan trọng hơn cả là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cũng như khả năng trả nợ của khoản vay đến hạn.
Phương Uyên