Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã tiếp bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Nhóm Ngân hàng thế giới (WB); ông Riccardo Puliti, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; ông John Gandolfo, Phó Chủ tịch phụ trách ngân quỹ của IFC.
Tại biểu làm việc, Thủ tướng mong muốn World Bank cho vay lãi suất thấp nhất các dự án đường bộ cao tốc, hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, đường sắt đô thị, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng thế giới ưu tiên vốn cho các dự án giao thông trọng điểm và dự án lớn tại Việt Nam từng được Thủ tướng nêu khi tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam hồi tháng 10.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Manuela Ferro, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Nhóm Ngân hàng thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam luôn coi WB, IFC là đối tác phát triển quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đất nước thông qua tư vấn chính sách, tài trợ tài chính cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi, khoản cho vay khu vực tư nhân.
Đáp lời Thủ tướng, bà Manuela Ferro nhất trí các ý kiến và cho biết Ngân hàng thế giới đang tích cực phối hợp với các cơ quan Việt Nam xác định dự án lớn, trọng điểm mà hai bên tập trung hợp tác thời gian tới "với lãi suất tốt nhất". Bà đề nghị hai bên giải quyết nhanh vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, phê duyệt và triển khai các dự án.
Trước đó, ngày 27/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Bàn về định hướng hợp tác giai đoạn tới, Thủ tướng đề nghị World Bank có nhiều phương thức, mô hình cung cấp và quản lý vốn tài trợ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của Việt Nam; ưu tiên thực hiện những dự án lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đồng tình với Thủ tướng Phạm Minh Chính về định hướng triển khai các dự án có trọng tâm, trọng điểm, bà Carolyn Turk đánh giá cao các cam kết của Việt Nam. Bà khẳng định WB sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan phía Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã có ý kiến trao đổi.
Những dự án đường sắt nào được hỗ trợ vay?
Nhân chuyến công tác tại Việt Nam tháng 11 này, bà Manuela Ferro cũng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Tại đây, bà Manula V. Ferro tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, WB mong muốn gìn giữ, phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này.
Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương WB cũng cho biết, tại cuộc họp vào tháng 9/2023 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch WB Ajay Banga, Thủ tướng đã đề nghị trong 3 năm tới, WB cho Việt Nam vay 5-7 tỷ USD đầu tư các dự án hạ tầng tại Việt Nam. WB nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội hợp tác này, ưu tiên lĩnh vực giao thông và năng lượng - điện.
Từ đây, bà Manula V. Ferro đề nghị Bộ GTVT đề xuất dự án cụ thể có thể triển khai sớm, nhất là các dự án có quy mô lớn, ý nghĩa. WB cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để có thể triển khai các dự án có hỗ trợ vốn từ phía Ngân hàng thế giới theo khung thời gian mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn.
Cụ thể, về đường sắt có ba dự án xây mới gồm: Đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội, dài 59km, đường đôi, khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm, giai đoạn 1 đầu tư đường đơn với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay khoảng 560 triệu USD;
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dài 140km, đường đôi, khổ 1.435m, tổng mức đầu tư phân kỳ đường đơn khoảng 3 tỷ USD, vốn vay dự kiến gần 3 tỷ USD;
Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài 175,2km, đường đôi, khổ 1.435m, giai đoạn 1 đầu tư đường đơn khoảng 154.000 tỷ đồng, vốn vay dự kiến khoảng 5,07 tỷ USD. Cả ba dự án này đều đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-Fs), dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024.
Đề xuất thu phí 1.900 đồng mỗi km vành đai 4 Hà Nội