Làn sóng môi giới bất động thất nghiệp tăng mạnh

Thời điểm trước Tết, nhiều sàn giao dịch bất động sản cho môi giới nghỉ việc không thời hạn. Sau Tết, con số môi giới rời thị trường tiếp tục tăng.

Môi giới “đói khách”

Dự án mới không có, thị trường trầm lắng khiến hầu hết các môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn.

Từ vài tháng nay, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh chi phí quảng cáo vẫn bỏ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.

“Ngồi chơi xơi nước” nhiều tháng nay, anh Trung, một môi giới bất động sản tự do tại khu Đông, Tp.HCM đã chuyển nghề sang bán cafe dạo để có chi phí trang trải cuộc sống. Bộc bạch về nghề của mình, anh Trung cho hay, thời gian qua, khách đầu tư đi xem đất khá vắng. Có thời điểm, anh phải xoay sở vay tiền để lo cho cuộc sống hiện tại. Cùng với đó, anh lấn sang lĩnh vực cho thuê nhà, mặt bằng. Phân khúc này, theo anh Trung hiện dễ sống hơn bán đất nền, bán chung cư.

Ghi nhận cho thấy, sau Tết nguyên đán, hoạt động đầu tư, môi giới vẫn khá trầm lắng. Tình trạng đất nền hạ giá đã lan rộng ra các khu vực. Ngoài các nền đất “ngộp” tại Tp.HCM thì giá bán thứ cấp đất nền khu vực Long An cũng ghi nhận giảm mạnh. Theo báo cáo mới đây của DKRA Group, trong 2 tháng đầu năm 2023, thị trường đất nền Long An tiếp tục đà giảm của 6 tháng cuối năm 2022. Các nguyên nhân đến từ việc lãi suất vay mua bất động sản tăng cao, nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ, thanh tra bất động sản, những bất ổn của nền kinh tế chính trị…

Làn sóng môi giới bất động thất nghiệp tăng mạnh - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản không còn cảnh mua bán tấp nập như thời điểm đầu năm 2022. Ảnh: HV

Thị trường khu vực này liên tục xuất hiện các giao dịch cắt lỗ với mức giảm 13-16% so với thời điểm cuối năm 2022 và tập trung chủ yếu ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính – đặc biệt, có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất /ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018-2022 của các chủ đầu tư.

Trong đó, mức giảm sâu nhất là khu vực Đức Hoà với hơn 600 triệu đồng/nền. Toàn thị trường các giao dịch có mức giảm phổ biến 200-500 triệu đồng/nền.

Tuy mức giảm ghi nhận tăng nhưng sức mua vẫn khá yếu. Nhiều nhà đầu tư trong trạng thái nghe ngóng, chưa xuống tiền. Theo đó, môi giới bất động sản cũng “đói khách” từ trước Tết đến nay. Nhiều người bỏ nghề hoặc linh hoạt nghề khác để kiếm sống ở giai đoạn khó khăn.

Làn sóng môi giới thất nghiệp tăng mạnh

Tính đến ngày 21/12/2022, hàng nghìn môi giới bất động sản đã thất nghiệp trong bối cảnh thị trường địa ốc mất thanh khoản. Cơ hội việc làm cho môi giới hẹp dần theo làn sóng sa thải ồ ạt trước Tết.

Việc cắt giảm nhân sự từ 30-60% đã diễn ra ở các sàn giao dịch bất động sản. Những người còn bám trụ lại cũng chưa nhìn thấy các tín hiệu lạc quan ít nhất trong 6 tháng tới.

Mặt khác, khó khăn của các công ty môi giới trong quý cuối năm 2022 là không đòi được phí bán hàng, các chủ đầu tư còn nợ do chủ dự án cũng bế tắc dòng tiền. Điều này dẫn đến công ty môi giới buộc phải tự thanh lọc nhân sự nếu không còn nguồn lực hoặc chấp nhận gồng lỗ trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại, nếu thị trường tiếp tục diễn biến xấu kéo dài, làn sóng môi giới mất việc sẽ diễn ra mạnh hơn. Điều này đã kéo dài sang đầu năm 2023 khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.

Làn sóng môi giới bất động thất nghiệp tăng mạnh - Ảnh 2.

Nhiều môi giới bất động sản thất nghiệp. Ảnh": HV

Khảo sát trực tuyến khoảng 500 môi giới của batdongsan.com.vn chỉ ra, trong quý 4/2022, quy mô nhân sự của sàn giao dịch bất động sản giảm 61% tại các doanh nghiệp ở tất cả các phân khúc. Lượng môi giới giảm mạnh là do không bán được hàng, không có thu nhập. Môi giới buộc phải bỏ nghề, tìm công việc khác hoặc làm song song nhiều nghề để kiếm nguồn thu khi thị trường giảm tốc.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, xác nhận thống kê chưa đầy đủ khu vực Tp. HCM và các tỉnh phía Nam, đến giữa tháng 12, ước tính có khoảng hơn 50% lượng môi giới làm việc bài bản các công ty phân phối bất động sản đã rời thị trường dù năm ngoái lượng đào thải khá lớn. Nếu tính cả nhóm môi giới nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, không chuyên nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp có thể cao hơn.

Theo ông Lâm, do các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khăn về tài chính, không thể tất toán phí môi giới (chi phí bán hàng) cho đơn vị phân phối đã dẫn đến phân khúc thị trường lao động này bị xáo trộn mạnh cuối năm 2022.

“Nhân sự môi giới bất động sản vẫn biến động hàng năm, giảm trong mùa thấp điểm, tăng trong mùa cao điểm nhưng năm nay quá trình thanh lọc nhân sự diễn ra mạnh hơn vì ngay cả mùa cao điểm thị trường địa ốc cũng trầm lắng kéo dài”, ông Lâm chia sẻ.

Nhiều dự báo cho rằng, việc đào thải nhân sự ngành địa ốc năm 2023 có thể còn cao hơn năm 2022. Các thách thức có thể lớn hơn trong 6-8 tháng đầu năm. Hiện nay, các tín hiệu về tín dụng, lãi suất chưa cải thiện. Giá bất động sản giảm có dấu hiệu lan trên diện rộng nhưng thanh khoản vẫn khá yếu. Một số chuyên gia dự đoán phải hết quý 2/2023 trở đi, thị trường bất động sản mới có dấu hiệu hồi phục, hoạt động mua bán – đầu tư mới trở lại.