Ngăn ngừa tình trạng băm nát quy hoạch

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia và địa phương cho rằng cần có các quy định chặt chẽ cụ thể để phòng ngừa nhóm lợi ích khi lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch hay khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cần quy định chặt chẽ hơn

Liên quan đến quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 71), GS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, cho rằng, thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất diễn ra rất phổ biến, làm phương hại đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Bởi vậy, các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo luật cần cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt cần quy định rõ hơn về cơ quan chịu trách nhiệm rà soát, tiêu chí, căn cứ của việc rà soát.

GS Nghị nêu ý kiến, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có các nguyên tắc thì việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải có nguyên tắc. Trong đó, việc lấy ý kiến nhân dân về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng.

Ngăn ngừa tình trạng băm nát quy hoạch - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng, cần có quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng băm nát quy hoạch ở nhiều nơi. Ảnh: Đường Lê Văn Lương (Hà Nội), nơi có mật độ cao ốc dày đặc do nhiều khu đất bị điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: Như Ý

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, cũng cho rằng, nếu các nhà làm luật không quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm thì dễ tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng việc rà soát, điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để trục lợi hoặc phát sinh tham nhũng, tiêu cực. PGS Tuyến đề nghị, bổ sung một điều khoản về nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tương thích với nội dung về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 60.

PGS Tuyến cũng đề xuất bổ sung quy định về các tiêu chí cơ bản để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong trường hợp không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc vi phạm về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các mức xử lý đủ sức răn đe, nghiêm minh góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

PGS Tuyến cũng đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định cụ thể, chi tiết, đầy đủ các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng để điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mang tính chất lợi ích nhóm và đảm bảo dễ áp dụng khi luật (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nói rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định các nội dung liên quan đến thẩm quyền, nội dung thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp cũng như quy định về trách nhiệm của hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về cơ cấu hội đồng thẩm định cấp tỉnh để tránh tùy tiện, lợi ích nhóm khi thành lập hội đồng.

Nên nới lỏng nội dung kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện

Liên quan đến nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự thảo Luật Đất đai quy định, nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải có danh mục các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư… và phải được xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính.

Về nội dung này, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, góp ý, việc xác định rõ vị trí ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trong nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện rất khó thực hiện, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi vì đây là những dự án thường xuyên có điều chỉnh trong thực tế. “Nếu quy định rất cụ thể trong luật như này thì khi chúng tôi lập kế hoạch cấp huyện sẽ khó và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung rất phức tạp”, ông Quân nói.

Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cũng cho rằng, việc yêu cầu các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất… phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính là rất phức tạp, tốn kém và vướng mắc khi thực hiện.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đề xuất nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ cần tổng hợp danh mục các dự án thực hiện trong năm trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy định về nội dung sử dụng đất cấp huyện như trên là thiếu tính thực tế bởi chỉ đến khi phê duyệt dự án (không phải khi dự án có chủ trương) mới có thể xác định được quy mô và ranh giới tới từng thửa đất, hơn nữa tư liệu về đất đai hiện chưa đồng bộ trong cả nước. Vì vậy, quy định này cần có sự điều chỉnh.

Đề xuất thời điểm ban hành quy hoạch quốc gia

Liên quan đến nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về thời gian lập và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh) để đảm bảo thời gian và đỡ tốn kém kinh phí cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp nhiều lần như hiện nay. Trong đó, có quy định cụ thể thời gian hoàn thành việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất từ quy hoạch sử dụng đất cấp trên cho cấp dưới, để làm cơ sở lập quy hoạch sử dụng đất cấp dưới.

UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, thay vì phân bổ chỉ tiêu 19 loại đất, Trung ương chỉ phân bổ chỉ tiêu cho cấp tỉnh với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất xây dựng kho dự trữ quốc gia, đất có di tích lịch sử - văn hóa và các dự án công trình của Trung ương đặt tại địa phương. Các loại đất còn lại giao cho địa phương tự xác định, để đảm bảo tính linh hoạt trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Nguyễn Hoài