“Cứ 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì đi hết, chỉ còn 20% ở”

Đó là chia sẻ của ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng, nhà ở ở xã đang giao cho không đúng đối tượng, điều này làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp về việc “Góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi về phát triển, quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đã có chia sẻ về khó khăn và kiến nghị đề xuất liên quan đến phát triển NOXH.

Ông Tuấn chia sẻ, doanh nghiệp này đã phát triển được 25 dự án nhà ở xã hội, hoàn thành 10 dự án với khoảng 10.000 căn. Hiện, Hoàng Quân cũng đang phát triển 15 dự án, triển khai xây dựng là 12 dự án và 3 dự án còn lại cũng đang xúc tiến hoàn thành xin giấy phép xây dựng, tổng số căn dự kiến là 15.000 căn.

Dự kiến đến năm 2030, doanh nghiệp của ông Tuấn đăng ký xây dựng 50.000 căn hộ. Chia sẻ về khó khăn, ông Tuấn cho biết vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Một vấn đề khác mà ông Tuấn đề cập tới, đó là dòng vốn hỗ trợ. Ông Tuấn cho biết, từ năm 2002 đến 2022, Địa ốc Hoàng Quân chuyển hướng sang mảng nhà ở xã hội và có tới 10 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, với khoảng 10.000 căn. Tuy nhiên, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường đi xuống, doanh nghiệp này đã gặp khá nhiều khó khăn. Sự khó khăn đó phản ánh qua giá cổ phiếu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm của công ty.

Về nguồn vốn, hiện nay, ngân hàng đang dành gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đề xuất gói 120 nghìn tỷ. Gói này rộng hơn bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nhưng lãi suất thấp hơn từ 1,5 đến 2% so với thị trường.

Ngoài ra, ông Tuấn chỉ rõ, vấn đề về khách hàng đang là trở ngại cho phát triển nhà ở xã hội. “Thống kê cho thấy, cứ 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì đi hết, chỉ còn 20% ở. Tức nhà ở ở xã đang giao cho không đúng đối tượng, điều này làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội”, ông Tuấn cho hay.

Nhìn về những vấn đề đang xảy ra, ông Tuấn đề xuất, chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần là người điều hành quản lý chung cư đó suốt đời, chứ không thể thuộc về ban quản trị chung cư như hiện nay.

Để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội, ông Tuấn đề xuất nới tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư từ 10-15%. Nhà nước đừng quá lo việc doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội sẽ lời nhiều, do quy luật cạnh tranh sẽ bù trừ lại. Ông Tuấn cũng kiến nghị thêm việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, ban hành chính sách mới có hiệu quả đi nhanh vào cuộc sống.