Cầu Nguyễn Khoái vượt qua kênh Tẻ và kênh Bến Nghé để kết nối quận 7, quận 4 và quận 1. Sau khi hoàn thành vào năm 2027, nó được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho các cây cầu xung quanh.
Dự án cầu Nguyễn Khoái do Sở Giao thông - Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư là 3.700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.750tỷ đồng. Trên ảnh là bản đồ quy hoạch cầu Nguyễn Khoái. Nguồn ảnh: Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án có tổng chiều dài gần 5 km, trong đó phần cầu khoảng 2,5 km, rộng từ 6,5 đến 25,5 m. Phần đường dài hơn 2,3 km, rộng từ 26,5 đến 61,5 m. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào quý 4 năm nay.
Công trình bắt đầu từ đường D1 (kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7). Phần cầu chính vượt kênh Tẻ bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt kênh Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt, quận 1.
Trong đó đoạn qua quận 4, nhánh N3, N4 được xây dựng kết nối đường Tôn Thất Thuyết, cho phép xe chạy hai chiều để kết nối với phần cầu chính, thuận lợi di chuyển qua quận 1 và quận 7.
Bên kia kênh Tẻ thuộc quận 7, hai nhánh N1 và N2 cũng được xây dựng cho xe lên xuống từ cầu Nguyễn Khoái với đường Trần Xuân Soạn. Tại mỗi nhánh đều có cầu thang bộ kết nối đến các tuyến đường phía dưới.
Đoạn cuối kết nối qua quận 1, phần cầu chính vượt rạch Bến Nghé rồi qua hai nhánh N7, N8 vòng xuống đường Võ Văn Kiệt. Hai nhánh N5 và N6 giúp xe di chuyển từ cầu Nguyễn Khoái lên xuống làn khác của đại lộ Võ Văn Kiệt.
Quận 4 vốn là một hòn đảo, chỉ kết nối với các quận khác bằng cầu. Những cây cầu hiện có như cầu Kênh Tẻ, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ có diện tích lòng đường nhỏ hẹp nên không đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển. Từ đó, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên. Trên ảnh là cầu chữ Y giờ cao điểm.
Khi hình thành dự án cầu Nguyễn Khoái sẽ chia sẻ áp lực giao thông, hỗ trợ tạo ra hướng lưu thông mới cho cư dân thuận lợi di chuyển. Bên cạnh đó, dự án còn giúp đồng bộ hạ tầng, phát triển cảnh quan đô thị thêm văn minh, hiện đại.
Hiện tại, mặt bằng nhà dân chưa có dấu hiệu giải toả. Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đến năm 2025, công tác bồi thường sẽ hoàn tất, giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công và đưa cầu Nguyễn Khoái vào sử dụng năm 2027.
Bên cạnh dự án cầu – đường Nguyễn Khoái, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng hầm chui giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), giúp giảm ùn tắc cho nút giao trọng điểm ở cửa ngõ phía Nam. Đồng thời, để tăng kết nối giao thông cho các khu vực trên, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 với khu đô thị mới Thủ Thiêm) đang được chuẩn bị xây dựng với tổng vốn 6.000 tỷ đồng.