Không dễ làm căn hộ 20 triệu đồng/m2 tại TP HCM

Các chuyên gia cho rằng các chủ đầu tư không dễ làm căn hộ 20 triệu đồng/m2 do quá trình làm thủ tục đầu tư kéo dài, gia tăng chi phí. Đại diện Bộ Xây dựng nói sẽ có cơ chế giảm giá đầu vào cho dự án nhà ở giá thấp, như miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tháo gỡ thủ tục xây dựng...

Căn hộ 20 triệu đồng/m2 thực sự khó

Vấn đề làm sao xây dựng căn hộ giá rẻ, khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2 tại TP HCM vừa gây ra nhiều tranh cãi trong buổi hội thảo bất động sản do Báo Thanh Niên tổ chức. Câu chuyện được đặt ra trong bối cảnh TP HCM ngày càng thiếu căn hộ bình dân, giá rẻ, trong khi phân khúc cao cấp, trung cấp ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Một số ý kiến cho rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, điều tiết để thị trường có thêm loại hình sản phẩm này, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận đông đảo dân cư.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, thẳng thắn cho rằng làm căn hộ 20 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại thực sự rất khó cho các chủ đầu tư tại TP HCM, trừ khi Nhà nước giao đất. Còn nếu chủ đầu tư tự thu gom đất, đóng tiền sử dụng đất, rồi mất thêm nhiều chi phí khác mà bắt buộc phải xây nhà ở bình dân, giá rẻ là điều không thể, ông Khương nói.

Đại diện Savills lý giải, pháp lý bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, thời gian phê duyệt dự án kéo dài đẩy giá sản phẩm lên cao. Một dự án ban đầu có giá khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2 nhưng việc triển khai trên thực tế gặp khó về pháp lý, chi phí xin thủ tục, thực hiện nghĩa vụ tài chính, chi phí đầu tư....bị đẩy lên cao, ắt giá bán sẽ phải lên 30 - 35 triệu đồng/m2 mới có lời. Ông Khương cho rằng sẽ rất khó để Nhà nước can thiệp vào mức giá này và cơ hội để mua được nhà là "vô phương".

Tham gia hội thảo với tư cách là đơn vị phân phối, ông Nguyễn Tấn Hoàng, Tổng giám đốc Phú Hoàng Land nhận định dân số TP HCM đang tăng đột biến nhưng bài toán về nhu cầu nhà ở vẫn chưa giải quyết được do nguồn cung thiếu. Sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2 rất hiếm, trong khi chính chủ đầu tư khi muốn đầu tư phân khúc bất động sản giá thấp cũng chưa đủ cơ sở để tính toán được dòng tiền, giải quyết bài toán pháp lý, định hình phân khúc.

Sẽ có cơ chế giảm giá đầu vào cho các dự án nhà ở giá thấp

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết để giảm giá đầu vào cho các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở thương mại giá thấp thì Nhà nước cần có cơ chế tháo gỡ vì vấn đề này có thể ảnh hưởng tới việc tăng dân số, hạ tầng.

Không dễ làm căn hộ 20 triệu đồng/m2 tại TP HCM - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Ninh đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn với nhà ở giá thấp. Ảnh: Thanh Niên.


Với các dự án nhà ở xã hội, ông Ninh chỉ ra Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề như chỉnh sửa quy định 20% quỹ đất dự án cho nhà ở xã hội; quy định lựa chọn nhà đầu tư nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi, lợi nhuận định mức, phương pháp xác định giá; quản lý nguồn vốn, vốn ưu đãi, vốn vay, quy định rõ trách nhiệm từ cơ quan có liên quan; sẽ cắt giảm bớt các thủ tục hành chính có liên quan đến thẩm định... Bộ cũng được giao tổng hợp các dự án gặp khó về vốn để làm việc với Ngân hàng nhà nước, triển khai cho vay.

Trong đó, Bộ Xây dựng đang tính toán thúc đẩy xây dựng sản phẩm dưới 20 triệu đồng/m2 , đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá thấp bằng các ưu đãi chính sách như cho chậm nộp, thậm chí miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tháo gỡ thủ tục xây dựng.... Các chính sách này được dựa trên quan điểm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo điều kiện cho chủ đầu tư. Dự kiến trong quý III, dự thảo Nghị quyết phát triển nhà ở thương mại giá rẻ dự kiến được Bộ Xây dựng trình Chính phủ.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay đã nhiều lần đề nghị Chính phủ cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định. Đến nay, Nghị quyết 41 mới được ban hành, giao Bộ KHĐT chủ trì, cấp bù 1.000 tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại. Theo ông Ninh, nếu ngân sách cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì có thể huy động thêm khoảng 30.000 tỷ đồng cho người vay mua. Như vậy, với 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội thì có đến khoảng 60.000 tỷ đồng nữa cần huy động để cho vay không chỉ trong năm nay mà vài năm tới. Vì vậy, phân khúc nhà ở xã hội sẽ có nhiều vấn đề khởi sắc.