Chu kỳ tăng trưởng mới của BĐS Đà Nẵng

Sau giai đoạn sốt đất ảo, dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2020 là "đòn giáng" mạnh tiếp theo đưa BĐS Đà Nẵng xuống "vùng đáy"… để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, lành mạnh và bền vững hơn. Trước triển vọng đó, ngay lúc này, giới đầu tư đang rục rịch tìm kiếm những cơ hội đón sóng.

Quy hoạch - yếu tố dẫn dắt

Đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư chính là động lực hồi sinh thị trường BĐS Đà Nẵng thời gian gần đây. Dòng tiền bị "đóng băng" trong thời gian "giãn cách xã hội" đang được rót mạnh vào các khu vực tiềm năng. "Trong đó không loại trừ cả xu hướng gom đất để "bắt đáy", kiếm lời nhanh khi thị trường bật mạnh sau dịch", nhiều môi giới BĐS chia sẻ.

Theo giới phân tích, trải qua giai đoạn lao dốc, BĐS Đà Nẵng đang dần khắc phục bất cập để mở ra triển vọng mới, đặc biệt với việc đẩy nhanh tiến độ của đồ án quy hoạch chung thành phố cũng như các dự án hạ tầng trọng điểm.

Cuối tháng 5 vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong (Singapore) tư vấn.

Theo nội dung đồ án, giai đoạn từ nay đến 2030, Đà Nẵng sẽ đặt mục tiêu thu hút gần 300.000 tỷ đồng để hiện thực hóa quy hoạch. Chủ trương huy động, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Đà Nẵng sẽ đầu tư và thu hút đầu tư nhiều dự án đặc biệt quan trọng như cảng Liên Chiểu, nạo vét sông Cổ Cò, tuyến đường vành đai phía Tây từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn các dự án lớn khác như: Làng đại học Đà Nẵng, sân golf huyện Hòa Vang, Câu lạc bộ cưỡi ngựa, khu phức hợp Trung tâm tài chính - thương mại - vui chơi giải trí - casino và chung cư cao cấp…

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng và cấp mới cho 50 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 77,546 triệu USD.

Chu kỳ tăng trưởng mới của BĐS Đà Nẵng - Ảnh 1.

Thị trường BĐS Đà Nẵng được "tiếp sức" bởi sự phục hồi của ngành du lịch.

Bên cạnh các dự án hạ tầng và công nghiệp, du lịch Đà Nẵng cũng đang hồi sinh mạnh mẽ với chủ trương kích cầu toàn lực. Gói kích cầu mang tên Danang Thank You 2020 hiện đã thu hút được 150 doanh nghiệp tham gia, kỳ vọng giúp thủ phủ du lịch miền Trung – một trong 25 Điểm đến thịnh hành trên thế giới năm 2020 (do Trip Advisor bình chọn) đón dòng khách ổn định vào nửa cuối năm.

Từ tín hiệu khởi sắc và phục hồi toàn diện của nền kinh tế, có thể thấy BĐS Đà Nẵng 2020 đang được tiếp sức đáng kể sau thời gian dài ảm đạm. Đặc biệt, ở thời điểm thị trường có sự thanh lọc mạnh mẽ, đội ngũ các Công ty môi giới, chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS có sự chuyên nghiệp, tài chính vững vàng, hướng đến quyền lợi khách hàng sẽ góp phần nâng đỡ thị trường bước qua khó khăn.

Động lực từ nhu cầu ở thực

Trong bức tranh chung được đánh giá có nhiều yếu tố tích cực, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản dự báo, thị trường bất động sản Đà Nẵng năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh giá trị thực phù hợp với các đối tượng có nhu cầu về chỗ ở. Đồng thời, các sản phẩm dự án hoàn chỉnh về pháp lý, nhất là các sản phẩm hình thành trong tương lai sẽ có cơ hội thanh khoản tốt trở lại.

Chu kỳ tăng trưởng mới của BĐS Đà Nẵng - Ảnh 2.

Nhu cầu đầu tư BĐS đang chuyển dịch về phía Đông Nam thành phố với nguồn cung đất nền rất dồi dào. Ảnh: Internet

Nhận định này được đưa ra khi xem xét thống kê về tốc độ đô thị hóa và cơ cấu dân số của Đà Nẵng. Cụ thể, tổng kết công tác Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số bình quân hàng năm trong 10 năm qua (2009 – 2019) của Đà Nẵng là 2,45%, xếp thứ 3 cả nước. Nếu so sánh giữa các tỉnh, thành từ Thanh Hóa trở vào thì mật độ dân số của Đà Nẵng chỉ kém TP.HCM. Điều đó cho thấy, Đà Nẵng đã ở mức độ tập trung rất cao về đô thị hóa.

Mật độ dân số cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện của Đà Nẵng. Hơn 4/5 dân số tập trung trên một diện tích bằng 1/4 diện tích toàn TP; trong đó quận Hải Châu và Thanh Khê chiếm 34% dân số nhưng diện tích chỉ chiếm có 3,1%.

Với mật độ dân số cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các quận, huyện của Đà Nẵng, nhằm giảm tải cho các khu vực trung tâm, thành phố cũng đã xác định hai mũi nhọn phát triển đô thị theo quy hoạch là phía Đông Nam và Tây Bắc. Đây cũng là các khu vực được dự báo hấp thụ nguồn cầu khổng lồ của người dân trong tương lai, đặc biệt là phía Đông Nam - nơi có quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, gần biển, gần sông và nằm trong chiến lược phát triển tuyến du lịch Đà Nẵng – Quảng Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định, từ sự quá tải hạ tầng đô thị ở khu vực trung tâm, qũy đất hạn hẹp trong khi nhu cầu thực của khách hàng, người dân vẫn rất lớn, thị trường BĐS Đà Nẵng còn dư địa phát triển rất lớn về phía Nam. Với tiềm năng sẵn có, một khi quy hoạch tổng thể được thông suốt, những nút thắt của thị trường được tháo gỡ, BĐS Đà Nẵng sẽ khởi động chu kỳ tăng trưởng mới với nhiều cơ hội hấp dẫn.

Thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Đà Nẵng nói riêng trong năm 2020 sẽ tiếp tục có sự thanh lọc mạnh mẽ. Công ty môi giới, chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản chỉ tồn tại khi có sự chuyên nghiệp, tài chính vững vàng, hướng đến quyền lợi khách hàng.

TỪ KHÓA: bđs đà nẵng