Thị trường bất động sản đối mặt nhiều thách thức hậu Covid-19
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu bật nhiều thách thức mà đại dịch Covid-19 đã gây ra đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Covid-19 đã làm gián đoạn, đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng. Do mọi hoạt động bán hàng và mua hàng bị ngưng trệ nên dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch bệnh cũng làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ chuyển nhóm nợ thành nợ xấu. Covid-19 cũng làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng.
Thị trường bất động sản bị tác động kép do phải đương đầu với nhiều thách thức trong 2 năm qua, kế đó là đại dịch nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải nỗ lực để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kì khó khăn này.
Ông Nguyễn Trần Nam cụ thể hóa những khó khăn của thị trường qua các con số của Bộ Xây dựng. Về tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm, chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý 4/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.
Đối với văn phòng cho thuê, tỷ lệ văn phòng trống trong quý 1/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 (văn phòng hạng A trống 10,8%; hạng B trống 5,6%). Các khu du lịch, nghỉ dưỡng tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
Nguồn vốn đầu tư FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, trong quý 1/2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI), tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4.
Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong tất cả các ngành nghề; số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%; số còn lại khoảng 200 sàn thì đang hoạt động cầm chừng.
Nhiều giải pháp phục hồi thị trường bất động sản đã được các chuyên gia đưa ra và thảo luận.\
Do dịch bệnh nên một số doanh nghiệp có nguồn tài chính mỏng đã không có nguồn thu để trả lương cho người lao động và thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn cho Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng, những doanh nghiệp có thể tích lũy vốn thì cũng không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai đầu tư dự án.
Giải pháp nào phục hồi thị trường bất động sản?
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau Covid-19, để phục hồi thị trường bất động sản, cần có những biện pháp cụ thể. Trở ngại lớn nhất để phục hồi thị trường là các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng, đất phân lô bán nền và tính không minh bạch từ quy hoạch đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng… Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục, chế tài xử lý minh bạch và phải làm liên tục trong vài năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể xem xét để giảm thuế cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đặc biệt là thuế quyền sử dụng đất, thuế phí vận tải, vận chuyển và thuế của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây dựng…
Ngoài ra, biện pháp tín dụng là biện pháp hiệu quả nhất. Nhà nước cần giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng bất động sản; nới lỏng các biện pháp hạn chế cho vay bất động sản và cho vay mua nhà; tạm thời duy trì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một số năm. Cùng với đó, thiết lập quan hệ tín dụng hiệu quả giữa Ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu và khách hàng để thúc đẩy cả cung và cầu phục hồi hợp lý, có kiểm soát tốt; giảm lãi suất cho vay trung dài hạn trên cơ sở sử dụng đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ theo hướng phục hồi tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu huy động vốn đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả trên cơ sở đánh giá xếp hạng của các Ngân hàng bảo lãnh hoặc tổ chức xếp hạng tín dụng.
Các biện pháp thủ tục, thuế, tín dụng sẽ góp phần làm giảm chi phí phát triển dự án bất động sản và chi phí bán nhà. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng cần thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng trên cơ sở từng bước số hóa chuỗi sản xuất và phân phối.
An An
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS