Khơi thông được hạ tầng, TP.HCM cùng 7 tỉnh giáp ranh sẽ thành "bát giác kim cương"

Với tốc độ phát triển hạ tầng hiện nay, TP.HCM cùng 7 tỉnh liền kề phía Nam được nhận định sẽ sớm hình thành liên kết “bát giác kim cương”, đưa thời gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước.

Chia sẻ tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay, TS. Lê Quốc Hùng - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) nhận định, hiện nay 8 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang đang dần trở thành “vùng lõi” sản xuất công nghiệp và là trung tâm thu hút vốn FDI từ quốc tế. Trong tương lai gần, các địa phương trên sẽ là đầu tàu của nền kinh tế và công nghiệp Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước.

Cụ thể, TS. Lê Quốc Hùng phân tích, hiện nay tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam được 345 tỷ USD thì có hơn 173 tỷ USD là đổ vào khu vực này. Sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM và các vùng đô thị xung quanh như Bình Dương (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên); Đồng Nai (Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, nhơn trạch) và Long An (Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước) đang theo xu hướng hình thành một đại đô thị vùng trung tâm với hạt nhân là TP.HCM trong bán kính 30km từ trung tâm. Dự báo đến năm 2050, dân số đô thị sẽ đạt khoảng 23-24 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75-80%.

Hình ảnh tại hội thảo Sức bật đại đô thị
TP.HCM và 7 tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam được nhận định sẽ hình thành một bát giác kim cương về phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. 

Trong 5 năm gần đây, sự phát triển của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng mạnh. Ngoài yếu tố đất đai, con người, các địa phương này còn có yếu tố hạ tầng kỹ thuật. Đồng Nai với sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch đủ sức hút người dân và nhà đầu tư về đây sinh sống. Nếu như trước đây, nhu cầu phố thị như mua sắm vui chơi khiến người dân phải ở trung tâm thì nay đã dễ dàng được đáp ứng nhờ công nghệ mới. Do vậy, nhu cầu phát triển các đô thị vệ tinh là cần thiết và chắc chắn sớm trở thành xu hướng nở rộ.

Về việc lập quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Qũy đất, Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quy hoạch vùng sẽ giúp phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng, hướng tới là một vùng kinh tế - đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế. Theo dự báo, tới năm 2050, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, trong đó vai trò của TP.HCM cực kỳ lớn. Tuy nhiên để đạt được sự tăng trưởng này, Chính phủ của các nền kinh tế đang phát triển này cần thực hiện cải cách cơ cấu để cải thiện nền tảng và thể chế kinh tế vĩ mô, đầu tư cho giáo dục, hạ tầng và công nghệ.

Đồng thuận quan điểm này,  Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ GTVT, bà Lã Hồng Hạnh nhìn nhận, rào cản lớn nhất hiện nay của TP.HCM và các vùng liên kết là tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng. Tại TP.HCM, hầu hết các dự án hạ tầng đang triển khai đều chậm so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, điều này đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt. Xét về hai loại hình giao thông đường bộ và đường sắt đô thị đều có sự gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng lớn đối với quá trình phát triển đô thị cũng như kết nối trực tiếp TP.HCM với trong vùng và liên vùng nhưng hầu hết đang phát triển khá ì ạch.

Hình ảnh một khu đô thị đang triển khai tại Phan Thiết
Hạ tầng giao thông chậm tiến độ đang là rào cản cho sự phát triển kinh tế TP.HCM nói riêng và liên kết vùng trọng điểm phía Nam nói chung. Ảnh minh họa

Theo bà Hạnh, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ và cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng. Các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi thành phố trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao. Hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn đầu tư chậm, chưa hình thành hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn.

Cụ thể, về đường bộ, hiện vành đai 2 mới chỉ được đầu tư 51/64 km; vành đai 3 và 4 đang được nghiên cứu đầu tư trong khi tiến độ theo quy hoạch hoàn thành trước 2020. Còn đối với các tuyến quốc lộ hiện đã đầu tư nhưng chưa đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch và đang đều quá tải. Các tuyến đường sắt đô thị và tuyến xe điện mặt đất đã lập xong dự án đầu tư để quản lý quỹ đất theo quy hoạch và xúc tiến đầu tư nhưng tình hình thực tế triển khai thì cả ba tuyến đều không hoàn thành như kế hoạch với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Về hàng không, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải so với công suất khai thác (vượt 1,6 lần so với công suất).

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân chủ quan liên quan đến tư duy phát triển kết cấu hạ tầng và phân bổ nguồn lực chưa đột phá, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; chưa có cơ chế để tối đa hóa lợi ích mang lại khi đầu tư.

Để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân của vùng, bà Hạnh đề xuất Chính phủ cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, các tuyến cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với phát triển đô thị.

Phương Uyên