Sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997. Hơn 20 năm sau, ngày 5/1/2021, công trình mới chính thức khởi công giai đoạn 1, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025. Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.
Sau hơn 2 năm thi công, siêu dự án sân bay Long Thành rơi vào tình trạng chậm tiến độ.
Đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện
Trước tình hình trên, ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm 2023, mùng 8 Tết Nguyên đán Quý Mão (29/1/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ trực tiếp kiểm tra công trường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thời điểm đó, hạng mục nhà ga hành khách được xác định là "đường găng" tiến độ của toàn dự án sân bay Long Thành nhưng bị huỷ thầu lần 1 và đang phải đấu thầu lại lần 2, mặt bằng dự án còn “xôi đỗ”, các khu tái định cư chưa hoàn thiện để người dân có thể vào ở, một số trường học bị dừng xây dựng…
Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng bày tỏ sự thất vọng khi “cách đây 1 năm, tôi đã kiểm tra tình hình triển khai dự án và có các chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, song trên thực tế, sự biến chuyển vẫn chưa như mong muốn”.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận: Dự án thành phần số 2 và số 3 có ý nghĩa quyết định với toàn dự án. Mặc dù đã bố trí được ngân sách mà gói thầu phần thân nhà ga vẫn bị huỷ thầu. Vấn đề lớn nhất là phối hợp, tổ chức thực hiện, ACV là chủ đầu tư và Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với việc này.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không làm được cần nói ngay từ đầu: “Đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện”.
“Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng và người dân rất mong chờ dự án. Dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ và chưa rõ hướng xử lý khả thi, hiệu quả như vừa qua”, Thủ tướng nói. Ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng đã yêu cầu lập Tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, khớp nối các công việc; giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo các bộ liên quan.
Không chỉ quan tâm đến tiến độ dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn trực tiếp đi thăm người dân khu tái định cư tại xã Lộc An, huyện Long Thành và tận mắt thấy dự án trường tiểu học đang xây dựng nhưng đã dừng thi công… Lắng nghe và hỏi kỹ người dân về nơi ở mới, Thủ tướng bày tỏ sự chưa hài lòng về công tác tái định cư.
“Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, xã cần gần dân, sát dân nhất cần nắm bắt chi tiết hơn tình hình, nhu cầu người dân tái định cư. Hạ tầng phải đi trước một bước thì người dân hào hứng tới nơi ở mới, nếu chưa có thì họ băn khoăn, nấn ná"
- Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần thực hiện rà soát, giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư để tạo sự đồng thuận. Đồng thời, phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp; nơi ở mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục trong khu tái định cư, tránh tình trạng người dân chuyển đến nơi ở nhưng con em không có nơi để đi học.
'Tối hậu thư'...
Ngay sau chuyến đi thị sát và nhiều cuộc họp liên tục, ngày 18/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có công điện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Công điện nêu rõ: Cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các chủ thể liên quan, xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án theo mục tiêu đã được giao.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao làm chậm tiến độ Dự án gây lãng phí nguồn lực.
ACV chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai Dự án thành phần 3, rà soát năng lực và việc tổ chức thực hiện Dự án trong thời gian qua, kịp thời báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT để có biện pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ công trình, vệ sinh môi trường và không làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý. Rà soát hồ sơ mời thầu bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả theo quy định và nhiệm vụ được giao...
“Việc chọn nhà thầu đã quy định rõ, không ai có thể làm thay việc của ACV”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ phát ra văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Gói thầu này đang triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ dự án theo yêu cầu của Quốc hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp theo các chỉ đạo.
Thủ tướng chỉ đạo: Công trình có tính chất phức tạp, đòi hỏi tính chính xác, chất lượng, kỹ thuật cao và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu này cũng rất quan trọng và cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Mới đây nhất, sáng 5/8, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng đưa ra tối hậu thư: Bộ GTVT khởi công bằng được nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8.
Chính thức khởi công nhà ga hành khách - 'trái tim' của sân bay Long Thành
Theo kế hoạch, ngày 31/8 tới đây, gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) sẽ khởi công xây dựng dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Nhà ga có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng được đánh giá rất hiện đại, sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành. Gói thầu 4.6 - "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay" - cũng được khởi động chung thời điểm.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố rộng rãi thông tin gói thầu này sẽ do liên danh nhà thầu Vietur triển khai.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết: Việc chấm thầu được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và đã chọn được đơn vị đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư đề ra trong hồ sơ mời thầu. Giá trúng thầu của liên danh thấp hơn so với hồ sơ mời thầu một chút, còn thời gian thi công 39 tháng không thay đổi.
Với một gói thầu lớn, có nhiều nhà thầu trong liên danh, việc quản lý tiến độ, chất lượng của dự án được thực hiện như thế nào, ông Thanh cho biết đã thuê đơn vị tư vấn của Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm để thay chủ đầu tư giám sát trong quá trình triển khai. Vì vậy sẽ rất yên tâm về chất lượng, tiến độ của công trình theo thiết kế.
Nhà ga hành khách được xem là "trái tim" của sân bay Long Thành với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: Mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí theo dạng tập trung.
Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn.
Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150 ha, thiết kế 2 luồng đi-đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu.
Trong đó, tổng diện tích sàn gần 376.500 m2, chiều cao đỉnh mái 45,55 m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F.
Trước đó, ACV từng chia sẻ, nhà ga sân bay Long Thành được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.
Đồng thời, còn sử dụng các loại vật liệu bao che bảo đảm tiết kiệm năng lượng cho nhà ga và thân thiện với môi trường.
Còn công trình đường băng cất hạ cánh (gói thầu 4.6) có trị giá 7.308 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến là gần 2 năm.
Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, rộng 45 m; hệ thống hai đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.
Để chuẩn bị cho lễ khởi công, ACV và các nhà thầu đã chuẩn bị rất chu đáo trong những ngày qua.
Đồng khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất 11.000 tỷ đồng
Cùng với việc khởi công Nhà ga Long Thành, dự kiến, ngày 26/8 tới đây, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với các hạng mục nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước cũng sẽ được khởi công.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 10.990 tỷ đồng, thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý 2/2025.
Trong đó, nhà ga hành khách gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2. Nhà ga có 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy gửi hành lý tự động, 42 kiot check in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.
Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 được khởi công vào tháng 12/2022. Các nhà thầu sau đó đã thi công hạng mục móng, nền nhà ga. Đến thời điểm này đã hoàn thành đấu thầu hạng mục thân nhà ga và chuẩn bị triển khai.
Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E.
Công trình được thực hiện đồng thời với các dự án mở rộng đường giao thông kết nối do TPHCM làm chủ đầu tư, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.