Hà Nội ban hành quy chế quản lý chung cư riêng

Mới đây, Hà Nội đã ban hành quy định chi tiết về một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, tránh bất cập trong việc giao cho chủ đầu tư hay ban quản trị.

Theo đó, quy định này sẽ được áp dụng với nhà chung cư có mục đích để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.

Hà Nội ban hành quy chế quản lý chung cư riêng - Ảnh 1.

UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định chi tiết về một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Cụ thể, việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư sẽ được căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư; Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.

Việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Việc quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng đối với nhà chung cư thương mại sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được UBND TP giao quản lý phải tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND Thành phố xem xét quyết định; việc quản lý, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Hà Nội ban hành quy chế quản lý chung cư riêng - Ảnh 2.

Quản lý vận hành chung cư, xác định sở hữu chung riêng, quỹ bảo trì... là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng giữa chủ đầu tư và cư dân trong thời gian qua (ảnh: Cư dân EcoLife Capitol biểu tình phản đối chủ đầu tư)

Văn bản cũng nêu rõ, với các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì; ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Bên cạnh đó, đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.

Quy định trên cũng nêu rõ trách nhiệm quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị chung cư; Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; Trách nhiệm của các Sở, ngành trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Thời gian qua, xung đột, tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân đã diễn ra nghiêm trọng trên khắp địa bàn TP Hà Nội. Những tranh chấp về đường đi, phí dịch vụ, phí bảo trì… cứ chồng chất từ năm này qua năm khác.

Trong khi đó, công tác giải quyết tranh chấp đến nay vẫn "càng gỡ càng rối", không có văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến các đơn vị cấp phường lúng túng trong tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh từ tranh chấp chung cư trên địa bàn.

Một số chuyên gia kỳ vọng, quy định mới của UBND TP Hà Nội sẽ góp phần giúp nhanh chóng "gỡ rối" quản lý chung cư trên địa bàn.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở để bổ sung 2 mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư. Mô hình thứ nhất là chủ đầu tư tự quản lý, vận hành nhà chung cư và tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Mô hình thứ hai là giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.

Theo Bộ Xây dựng, nếu hai đề xuất này được thông qua, việc quản lý nhà chung cư sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Còn việc chọn mô hình nào là do cộng đồng dân cư tự quyết định và phải có sự giám sát của Ban quản trị nhà chung cư.

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: Module 'mysqli' already loaded

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: