Sự bùng phát của Coronavirus (COVID-19) đã tạo ra một mảng tối cho nền kinh tế khu vực Châu Á – TBD trong những tháng đầu năm 2020 với những rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn cầu. Ngành bán lẻ, TTTM đang ghi nhận xu hướng điều chỉnh giá thuê với mức giảm từ 10-30%, thậm chí nhiều khu vực còn giảm giá thuê mặt bằng xuống gần 50%. Trong khi đó, phân khúc văn phòng giữ nguyên mức giá chào thuê bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, quản lý cấp cao CBRE Việt Nam, trong quý 1/2020, mức giá thuê trung bình văn phòng tại TP.HCM gần như không giảm, ghi nhận 44,6 USD/m2/tháng. Thậm chí phân khúc hạng B còn có giá thuê trung bình tăng lên 1,8% so với cuối năm 2019 và tăng lên 7,4% so với cùng kì năm trước, tương đương 25,2 USD/m2/tháng.
Tương tự, bà Trang Bùi, Giám đốc bộ phận thị trường JLL Việt Nam nhìn nhận, sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên thị trường văn phòng chưa rõ nét. Sức hấp thụ các tòa nhà văn phòng vẫn cao do phần lớn các hợp đồng cho thuê đã được thương thảo trước dịch nên sự ảnh hưởng của Covid-19 lên tổng diện tích thuê ròng trong quý 1/2020 khá hạn chế. Chính vì vậy, mặc dù nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh, giá thuê vẫn tiếp tục được ghi nhận tăng trong quý vừa qua. Các văn phòng hạng A và B lần lượt tăng 8,1% so với năm trước. Phần lớn các giao dịch gia hạn hợp đồng thuê trong quý 1/2020 vẫn ghi nhận giá điều chỉnh tăng.
Không như mảng bán lẻ, chủ các tòa nhà văn phòng chỉ mới bắt đầu được xem xét thảo luận các chính sách hỗ trợ khách thuê văn phòng dưới tác động của dịch Covid-19 vào thời điểm cuối quý vừa qua. Sự hỗ trợ này cũng chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực nhất định chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch và vẫn chưa phổ biến đối với thị trường chung.
Theo ông Đinh Mạnh Ninh, đại diện một công ty quản lý văn phòng tại TP.HCM, nguồn cung văn phòng tại thành phố hiện không nhiều, tỷ lệ lấp đầy các tòa nhà, đặc biệt là hạng A hiện rất cao. Vậy nên chủ nhà đang là đối tượng giữ lợi thế trong sân chơi này. Dù phải tạm thời ngưng hoạt động, gặp khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp chưa tính tới việc trả mặt bằng hay dịch chuyển khu vực thuê do khó kiếm văn phòng trong tình trạng cung ít - cầu nhiều như hiện nay.
Thị trường văn phòng cho thuê được nhận định sẽ có những thay đổi lớn do tác động từ về xu hướng làm việc online trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, giới chuyên môn đều cho rằng, xu hướng tăng giá thuê, thiếu hỗ trợ này sẽ buộc phải có sự điều chỉnh trong quý tới đây nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE nhận định, tuy thị trường văn phòng không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong quý nhưng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều khách thuê đã và đang thuyết phục chủ nhà cắt giảm giá thuê 15-20% nhằm hạn chế bớt những khoản lỗ khi tình hình kinh doanh đang đi xuống. Tại thị trường văn phòng TP.HCM, các chủ nhà hiện chưa có những biện pháp cắt giảm trực tiếp lên giá chào thuê nhưng cũng đang xem xét việc giảm giá trong thời gian ngắn hạn hoặc hoãn việc thu tiền thuê đến cuối kỳ cho các khách thuê có tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh.
Ngoài ra, thị trường bắt đầu ghi nhận một số giao dịch đã bị tạm hoãn hoặc hủy vào cuối quý 1/2020 do các khách thuê là công ty nước ngoài gặp khó khăn trong việc đi xem mặt bằng. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thị trường khó hấp thụ được diện tích mới, đặc biệt là trong năm nay thị trường văn phòng TP.HCM dự kiến sẽ có thêm hơn 70.000 m2 sàn đi vào sử dụng. Do đó, tỷ lệ trống của thị trường vẫn sẽ tăng cho dù dịch bệnh có kết thúc sớm hay muộn. Nếu tình hình đại dịch có thể được khống chế trước T6/2020 thì tỷ lệ trống chỉ tăng lên từ 7-14%. Nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát muộn nhất là T9/2020, tỉ lệ trống trung bình của thị trường văn phòng có thể tăng lên đến 14-16%. Điều này buộc các chủ nhà phải xem xét lại bài toán kinh doanh. Nếu COVID-19 được ngăn chặn trong hai quý đầu của năm 2020, mức tăng trưởng giá thuê của thị trường TP.HCM vẫn có thể duy trì ở mức tích cực. Tuy nhiên, nếu COVID-19 được kiểm soát muộn nhất vào T9/2020 thì dự báo giá thuê sẽ giảm từ 8- 10% nếu các công ty tiếp tục chịu thua lỗ và buộc phải yêu cầu chủ nhà giảm giá thuê.
“Sau đại dịch COVID-19, thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới. Khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê các không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố. Thêm vào đó các khách thuê cũng bắt đầu quan tâm hơn về yếu tố sức khỏe của nhân viên thông qua việc lựa chọn các mặt bằng văn phòng ở những tòa nhà có chất lượng cao thay vì chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí như trước đây”, bà Dung nhận xét.
Phương Uyên
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS