Đề xuất giao VEC nghiên cứu mở rộng đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án mở rộng đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành.

Theo đó, Bộ đã thống nhất với đề nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc kiến nghị Thủ tướng xem xét giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng đoạn cao tốc này.

Theo phương án được Bộ GTVT lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn. Thủ tục đầu tư dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư.

Theo Bộ GTVT, phương án này có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, kịp với tiến độ sân bay Long Thành.

Ngoài phương án được lựa chọn, trong quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC tính toán thêm 3 phương án đầu tư khác, gồm đầu tư công; đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT; nhượng quyền đầu tư, khai thác theo quy định của Luật Quản lý tài sản công (hay đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT có sự tham gia góp vốn của Nhà nước bằng tài sản theo Luật PPP).

Tuy nhiên, phương án đầu tư công được đánh giá là tạo áp lực lên ngân sách nhà nước vốn rất căng thẳng trong giai đoạn hiện nay do đang phải dồn nguồn lực để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc như cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án cao tốc, dự án quan trọng quốc gia khác.

Bộ GTVT không thể cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án như đề xuất. Trường hợp sử dụng vốn vay ODA , vốn vay ưu đãi, thì tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến sử dụng vốn vay nước ngoài, dự kiến cuối năm 2027 mới có thể hoàn thành.

Trong khi đó, việc triển khai theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT vẫn sẽ phải bố trí vốn ngân sách nhà nước để tham gia Dự án, trong khi Bộ GTVT không cân đối được vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, phương án này rất khó tách bạch doanh thu (không thể phân chia doanh thu theo làn xe), chi phí bảo trì và trách nhiệm quản lý, vận hành đường cao tốc (như hệ thống nút giao, hệ thống chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh…) giữa nhà đầu tư và VEC (dẫn đến xung đột lợi ích). Tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với phương án nhượng quyền đầu tư, tuy có ưu điểm là thu hút được nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu năm 2028 mới có thể hoàn thành. Đó là chưa kể, pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ Bộ Giao thông vận tải hay VEC có thẩm quyền tổ chức nhượng quyền.