LTS: Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ hữu cơ với rất nhiều ngành nghề. Thủ tướng vừa lập Tổ công tác tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản.
Gần đây, một số doanh nghiệp BĐS cho rằng họ gặp khó khăn bởi các chính sách thay đổi đột ngột như “siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp”.
Truy tìm “thủ phạm”
Song, nhìn thẳng vào thực tế, “thủ phạm” làm cho dòng tiền trên thị trường BĐS ách tắc là không bán được hàng. Bởi nếu một doanh nghiệp thiếu tiền thì có thể khẳng định là do sản xuất ở công ty đó giảm. Nhưng nếu toàn bộ thị trường BĐS , các công ty đều đang thiếu tiền, có nghĩa là sản phẩm bán chậm, không bán được nên không có nguồn tiền thu vào.
Nguồn thu về không đủ để trả nợ khi doanh nghiệp đã vay vốn quá lớn, ngay cả tập đoàn có lõi là sản xuất kinh doanh cũng bỏ tiền vào các dự án BĐS để kiếm lợi nhuận cao. Họ đã không tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Quan sát thị trường có thể thấy, thời gian qua, nhà đầu tư tin tưởng thị trường và có năng lực vay vốn đều đang “ôm” nhà đất quá nhiều. Giá nhà đất đã lên quá cao, từ làng quê đến thị thành đều tăng giá chóng mặt. Dòng tiền đang nằm khắp nơi trong BĐS với một giá cao, lãi suất, lợi nhuận của nhà đầu tư chỉ nằm “trên giấy”.
Bất cứ ông chủ doanh nghiệp đầu tư BĐS nào cũng nói ngành BĐS quan trọng. Nhưng nói về tầm quan trọng ngành BĐS phải đi sau các ngành khác như là nông nghiệp, cơ khí… Vì vậy, nếu nhận định sai, mọi định hướng nền kinh tế sẽ sai.
Chắc chắn, không có chuyện thị trường BĐS sụp đổ, thì kéo theo nền kinh tế sụp đổ. Từ trước đến nay, nền kinh tế thế giới qua tất cả những lần kinh tế quốc gia và khu vực chao đảo đều do hậu quả BĐS tăng giá, đầu tư tràn lan. Nền kinh tế nước ta hiện nay chưa đến nỗi suy yếu như Thái Lan năm 1997 hay là Mỹ hồi năm 2008.
Kết quả suy yếu của ngày hôm nay ở tầm vi mô là sự khốn khó của nhiều doanh nghiệp lớn, còn ở vĩ mô là nền kinh tế đang phải khắc phục các rủi ro từ hệ thống tài chính.
Giải pháp tổng thể
Nhìn ở góc độ giải pháp tổng thể, thì nhà nước đang có những quyết sách đúng để cấu trúc lại hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế bền vững. Đây chính là việc Nhà nước đang giải cứu BĐS , nhưng ngược lại với những người đang mua BĐS và chờ tăng giá thì lại cho rằng những chính sách đó khiến BĐS khó khăn.
Nhiều đề xuất được đưa ra rằng phải “giải cứu” thị trường BĐS, thế nhưng phương pháp cung tiền giai đoạn này để tạo thanh khoản cho BĐS sẽ chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”, đây là giải pháp không nên thực hiện.
Cách giải cứu này thể hiện việc các doanh nghiệp không nhận ra cái sai của thị trường này, mọi sự đổ lỗi, mọi sự đòi hỏi đưa vốn ra không trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh thiết thực đều là sai lầm.
Cần thời gian để thị trường bất động sản “tan băng”, trở về hợp lý
Và cũng không khác gì tiếp tục dung dưỡng cho thị trường BĐS phát triển theo hướng đầu cơ, bất ổn, dẫn đến suy kiệt nền kinh tế, tài chính.
Cách hay nhất lúc này là cần thời gian để thị trường “tan băng”, trở về hợp lý. Không một Nhà nước nào đủ sức mạnh cấp vốn cho một hệ thống tài chính – doanh nghiệp đang đi vào thâm dụng vốn đầu cơ, thiếu sản phẩm thiết thực, cạnh tranh.
Đồng thời, chính doanh nghiệp phải nhận ra sai lầm của mình. Mỗi doanh nghiệp trong chiến lược phát triển phải tự biết cách quản lý dòng tiền, để sử dụng dòng vốn trong đầu tư tương xứng với nguồn vốn huy động.
Nhìn ở góc độ tích cực cũng là một sự thanh lọc để thị trường lành mạnh hơn, vốn chảy vào đúng lĩnh vực cần thiết, thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế, đưa BĐS về đúng giá trị thật.